Chuyển đổi số tăng cường tính công khai, minh bạch

Thứ Tư, 24/04/2024, 09:54 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự tại điểm cầu chính có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các doanh nghiệp công nghệ lớn trên cả nước.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cả nước đã đi qua 1/3 chặng đường của năm 2024 - năm bứt phá trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận về 3 nội dung chính: Đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia; chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận về 3 nội dung chính: Đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia; chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một trong những nhiệm vụ là tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Cùng với đó chú trọng 3 đột phá chiến lược gồm: Thể chế, trong đó có thể chế liên quan đến chuyển đổi số; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó trọng tâm là phục vụ chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng số.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách (như dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…) và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách không dùng tiền mặt.

Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp. Càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, Ủy ban phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng cho biết, Kế hoạch hoạt động năm 2024 Ủy ban đã xác định trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông và lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông và lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VINH

Theo báo cáo Bộ TT-TT, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; chủ trì họp về tháo gỡ vướng mắc về bố trí, sử dụng kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06/CP. 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. 19 bộ, cơ quan ngang bộ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06/CP.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối.

Trong quý I/2024, Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu của Viettel khai trương, cung cấp dịch vụ ra thị trường với tổng số 2400 racks. Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp có 80,44% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình.

Về phát triển kinh tế số, Bộ TT-TT cho biết, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Báo cáo của EconomySEA của Google, Temasek và Bain đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Với mức tăng trưởng trên, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thảo luận nhiều nội dung liên quan đến thực hiện chuyển đổi số trong năm 2024, trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

QUANG VINH

;
.