Sự kiện và điểm đến

Thứ Sáu, 03/05/2024, 17:27 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ngành du lịch cả nước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lượng khách và doanh thu của các địa bàn trọng điểm về du lịch như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đều tăng trưởng cao. Riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón hơn 626 ngàn lượt khách, tăng 25%, tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Điều dễ nhận thấy, thời tiết nắng nóng khiến du khách chuộng du lịch biển nhiều hơn. Vì vậy, khách đến các địa phương có biển trong dịp lễ này đông hơn. Đa số các khu du lịch, resort gần biển đều đạt công suất phòng từ 80-100%.

Cục Du lịch Quốc gia đánh giá, các địa phương đã chuẩn bị tốt công tác đón và phục vụ khách với nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại và có nhiều sản phẩm du lịch mới bên cạnh sản phẩm truyền thống. Điều này đã đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của du khách trong những ngày lễ.

Trong đó, các địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao phục vụ du khách, như: chương trình “Ngày hội phố biển The Maris” tại dự án The Maris Vũng Tàu; chương trình nghệ thuật chào mừng lễ 30/4 và 1/5, khu vui chơi, ẩm thực, lễ hội đua bè và tái hiện lịch sử với cuộc thi kết bè vượt ngục và đạp xe vì môi trường, chinh phục núi Thánh Giá tại Côn Đảo. Huyện Xuyên Mộc có chương trình Charm Fantasea show, với sự góp mặt của rapper Đen cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng...

Trong bối cảnh các ngành kinh tế khác còn gặp khó khăn, đang trên đà phục hồi, ngành du lịch Việt Nam nói chung và của Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng vẫn duy trì mức tăng trưởng với tốc độ cao, luôn ở mức 2 con số. Dư địa tăng trưởng của ngành du lịch vẫn còn lớn. Nếu có những sản phẩm mới, lạ, hấp dẫn, cùng với việc quảng bá, tiếp thị tốt hơn, lượng khách và doanh thu còn có thể cao hơn nữa.

Trong cuộc họp nghe báo cáo về tình hình lễ vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ ghi nhận kết quả đạt được trong công tác chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thọ cũng cho rằng, các sản phẩm du lịch chưa căn cơ, lâu dài, các sự kiện du lịch chủ yếu do DN tự thực hiện. Nếu tổ chức tốt hơn khâu quảng bá, tuyên truyền, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước khi tổ chức sự kiện, lượng khách và doanh thu của ngành du lịch tỉnh có thể cao hơn nữa.

Những năm gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu thường tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, ẩm thực phục vụ người dân và du khách trong các dịp lễ, tết. Mỗi sự kiện thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham dự, trong đó đa phần là giới trẻ. Đây là một hướng đi đúng và đã chứng minh được hiệu quả, nhất là khi hầu hết các sự kiện đều được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hoặc do chính DN tự tổ chức. Nhà nước giữ vai trò quản lý về chuyên môn, tham gia công tác quảng bá và bảo đảm an ninh trật tự.

Tuy vậy, điểm hạn chế khi DN tự tổ chức sự kiện là họ chỉ chú trọng quảng bá, tiếp thị về sự kiện sẽ diễn ra tại một địa chỉ cụ thể (dự án mà DN đầu tư) chứ không quảng bá điểm đến chung hay một địa danh của địa phương. Điều này đã phần nào hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của du khách, khiến du khách ít biết tới sự kiện và điểm đến chung hơn.

Do vậy, khi tổ chức sự kiện, DN cần báo cáo và tích cực phối hợp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong việc tuyên truyền, quảng bá, gắn quảng bá sự kiện với điểm đến là địa danh du lịch cụ thể, chẳng hạn như Hồ Tràm, Vũng Tàu… Điều này sẽ giúp cho sự kiện của DN được lan tỏa rộng rãi hơn. Bởi lẽ, khi nắm được thông tin, các DN kinh doanh dịch vụ khác như lữ hành, ẩm thực, lưu trú cũng tham gia quảng bá, tiếp thị và có kế hoạch chuẩn bị đón tiếp, phục vụ khách sớm hơn, chu đáo hơn và có nhiều hoạt động hưởng ứng hơn. Từ đó, nhiều du khách biết được thông tin hơn, nghĩa là cơ hội gia tăng lượng khách tham dự sự kiện sẽ cao hơn.

NGUYỄN ĐỨC

;
.