CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN

Nên mở rộng đối tượng tham gia "Sữa học đường"

Chủ Nhật, 30/09/2018, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Theo kết quả Điều tra dinh dưỡng trên trẻ em Đông Nam Á (SEANUTS) do Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia - Bộ Y Tế phối hợp cùng FrieslandCampina Việt Nam (tập đoàn sở hữu nhãn hàng Cô Gái Hà Lan) thực hiện trên hơn 2.800 học sinh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam với 75% trẻ nông thôn và trên 75% sinh ra ở gia đình thu nhập trung bình-thấp, cho thấy: Nhóm trẻ ở độ tuổi TH-tức từ 6 tuổi trở lên - thiếu hụt năng lượng và nhiều dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển. Điển hình như, ở trẻ từ 6 đến 9 tuổi, năng lượng và protein chỉ đạt khoảng 80% nhu cầu, canxi thiếu đến 40%, nhóm vitamin B cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70%,... Trong khi đó, các chất này đã được đáp ứng đầy đủ ở nhóm các bé mẫu giáo - dưới 5 tuổi – nhóm sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa hàng ngày.

Cùng với trẻ dưới 6 tuổi, HS TH rất cần được bổ sung sữa. Trong ảnh: HS Trường MN Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) uống sữa học đường. Ảnh: KHÁNH CHI.
Cùng với trẻ dưới 6 tuổi, HS TH rất cần được bổ sung sữa.
Trong ảnh: HS Trường MN Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) uống sữa trong chương trình “Sữa học đường”. Ảnh: KHÁNH CHI.

Được biết, từ năm 2006, tỉnh BR-VT đã thực hiện chương trình Sữa học đường cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong năm 2017, thực hiện Đề án Sữa học đường giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có 69.876 trẻ được hưởng chính sách này, trong đó có 1.785 trẻ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng, 261 trẻ dưới 6 tuổi trong các trung tâm bảo trợ xã hội, 66.738 trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non được uống sữa. Kinh phí thực hiện đề án gồm: Kinh phí từ ngân sách Nhà nước là hơn 24,98 tỷ đồng và kinh phí vận động từ nguồn xã hội (Công ty CP sữa Việt Nam tài trợ 1 tỷ đồng, vận động phụ huynh đóng góp 24 tỷ…). Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua đánh giá sức khỏe của trẻ được uống sữa của Đề án Sữa học đường thì có 65.296/69.876 trẻ tăng cân, 68.241/69.876 trẻ tăng chiều cao.

Kết quả trên cho thấy, đa số trẻ được uống sữa học đường đều tăng chiều cao và cân nặng. Tuy nhiên, Đề án sữa học đường của tỉnh chỉ dành cho trẻ dưới 6 tuổi, còn với trẻ trên 6 tuổi, ở độ tuổi TH thì chưa có. Trong khi đó, giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo. Đây là giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lý, nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương về dinh dưỡng. Vì vậy, cần phải đảm bảo sự phát triển hoàn hảo về thể lực và trí tuệ  cho trẻ em trong giai đoạn này. Khoa học đã chứng minh sữa tươi là một trong những thức ăn hoàn chỉnh nhất cho trẻ đang tuổi lớn. Sữa tươi có hơn 400 dưỡng chất quan trọng với tỉ lệ cân đối giúp cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể, đặc biệt là sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em gồm: Phát triển chiều cao, tăng cường thể lực, tăng cường miễn dịch. Do đó, cùng với trẻ dưới 6 tuổi thì việc bổ sung sữa tươi cho HS ở độ tuổi TH là cần thiết.

Hiện nay, tỉnh BR-VT đang thực hiện 12 nội dung trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thiết nghĩ, tỉnh cần mở rộng đối tượng được hưởng thụ từ Đề án Sữa học đường là HS TH ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, HS hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có thu nhập thấp, bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn xã hội hóa.

NGỌC NGUYỄN

;
.