GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

Xử lý hành vi đốt phế liệu gây ô nhiễm môi trường

Thứ Ba, 18/09/2018, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Khu vực dân cư xóm tôi có một vựa thu mua phế liệu. Vào cuối buổi chiều hàng ngày, chủ vựa phế liệu đem các loại dây điện bọc nhựa, các phụ kiện điện tử hư hỏng ra chất thành đống rồi đốt để lấy nhôm, đồng bên trong. Việc làm này tạo khói đen lan tỏa trong không khí có mùi rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Hành vi này pháp luật xử lý ra sao? (Nguyễn Văn Thành - TX.Phú Mỹ)

Trả lời: Hành vi đốt phế liệu của chủ vựa đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư. Hành vi này được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (có hiệu lực từ 1-1-2017), như sau: Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại (Điều 172. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường). Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 173. Nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội).

Mặt khác, việc đốt phế liệu làm phát sinh “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí” là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” có hiệu lực từ ngày 28 - 12 -2013, hành vi “Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng" của chủ vựa phế liệu nêu trên sẽ bị xử phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Đồng thời, buộc chấm dứt hành vi đốt chất thải và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp xã.

Căn cứ các quy định trên, người dân cần kiến nghị, phản ánh tới UBND cấp xã nơi cư ngụ để xử lý vụ việc theo thẩm quyền.

Luật gia: THANH MAI

;
.