CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN

Tăng mức xử phạt lái xe sử dụng ma túy

Thứ Ba, 19/02/2019, 18:58 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, trên phạm vi cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới việc lái xe trước đó đã sử dụng ma túy nên không làm chủ được tay lái. Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 21-1, tài xế Lương Văn Tâm (SN 1991, quê Cao Bằng) điều khiển xe tải BS 29C - 719.53 lưu thông trên Quốc lộ 5, khi qua địa phận xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã đâm vào đoàn người đang đi bên lề đường, khiến 8 người chết và 7 người bị thương. Qua kiểm tra của cơ quan công an, phát hiện lái xe Lương Văn Tâm dương tính với ma túy.

Trước đó, chiều 2-1, lái xe Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ngụ ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An) điều khiển xe đầu kéo container BS 62C.043.48 kéo rơ móc BKS 62R.001.08, đã tông vào 25 xe máy đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), làm chết 4 người và 18 người khác bị thương. Qua 2 lần kiểm tra của cơ quan chức năng, kết quả cho thấy lái xe Phạm Thành Hiếu dương tính với heroin.

Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đợt ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra ma túy, nồng độ cồn đối với lái xe ô tô, xe khách và xe tải (từ cuối tháng 1 đến nay) của các lực lượng phối hợp thuộc Công an tỉnh, đã phát hiện hơn 10 trường hợp lái xe ô tô tải, xe đầu kéo container dương tính với ma túy.

Lực lượng CSGT và CSĐT tội phạm về ma túy-Công an tỉnh làm việc với lái xe đầu kéo bị phát hiện dương tính với ma túy trên Quốc lộ 51. Ảnh: SƠN KHÊ
Lực lượng CSGT và CSĐT tội phạm về ma túy-Công an tỉnh làm việc với lái xe đầu kéo bị phát hiện dương tính với ma túy trên Quốc lộ 51. Ảnh: SƠN KHÊ

Theo quy định tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Nếu bị phát hiện hành vi sử dụng chất ma túy, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện (ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe máy kéo, xe chuyên dùng và các loại xe tương tự) lưu thông trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy trong trường hợp có GPLX. Nếu trường hợp người điều khiển phương tiện không có GPLX, hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX, phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự; phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự; phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy kéo, xe chuyên dùng và các loại xe tương tự.

Trong thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng ma túy chưa được kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa kịp thời. Nhiều trường hợp lái xe, nhất là các lái xe đường dài, xe tải trọng lớn thường sử dụng chất ma túy, coi đó như là thuốc “an thần” khi làm việc. Thậm chí, họ còn phổ biến cho nhau cách để “thoát” mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy nên đã không làm chủ được tay lái.

Qua các vụ TNGT do tài xế sử dụng ma túy gây ra thì việc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng ma túy điều khiển phương tiện lưu thông trên đường theo quy định nêu trên là điều rất cần thiết nhằm bảo đảm TTATGT, ngăn ngừa các vụ TNGT nghiêm trọng có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự quyết liệt của các lực lượng làm nhiệm vụ ngoài đường là chưa đủ. Bởi, việc kiểm tra ngoài đường của các lực lượng chức năng chỉ mang tính xác suất, là biện pháp răn đe, cái gốc của vấn đề chính là ý thức, trách nhiệm của các DN vận tải vẫn chưa được xử lý nghiêm.

Vì vậy, hồ sơ thông tin của tài xế dương tính với ma túy cần được lưu trữ và chia sẻ để tất cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều có thể kiểm tra khi tuyển dụng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Đối với doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra sức khỏe tài xế thường xuyên, nếu phát hiện tài xế dương tính với ma túy thì phải chấm dứt ngay hợp đồng không cho cầm lái. Nếu doanh nghiệp bị phát hiện tài xế điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì có thể bị tịch thu hoặc tạm giữ phương tiện trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cần tăng nặng hình phạt đối với tội “Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại Điều 260, Bộ Luật Hình sự mới đủ sức răn đe, cái gốc của vấn đề mới được giải quyết.

NGUYỄN ANH

;
.