Cần tổ chức đào tạo lao động nghề biển

Thứ Ba, 05/03/2019, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê, trong 2 năm 2017 và 2018, BĐBP tỉnh BR-VT, đã tiếp nhận điều tra 311 vụ tai nạn trên biển làm chết 97 và mất tích 113 người, giải cứu 13 thuyên viên bị các đối tượng “cò lao động” cưỡng ép làm việc trên các tàu cá; khởi tố 2 vụ về hành vi giết người là thuyên viên trên các tàu cá đánh nhau, dẫn đến chết người. Phối hợp với cơ quan chức năng bắt và khởi tố 2 đối tượng là “cò lao động” về hành vi giữ người trái pháp luật.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bến Đá kiểm tra ngư lưới cụ và hướng dẫn ngư dân về các tiêu chí  thực hiện khuyến cáo của EC tại Cảng cá Bến Đá (TP.Vũng Tàu) trước khi xuất bến. Ảnh: THƯ KỲ
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bến Đá kiểm tra tàu cá của ngư dân trước khi xuất bến. Ảnh: THƯ KỲ

Điều tra của lực lượng Biên phòng tỉnh BR-VT cho biết thêm, hiện nay, tình trạng “cò” lao động nghề biển vẫn còn phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trên một phạm vi rộng. Các đối tượng cầm đầu luôn ẩn mình để chỉ đạo các “chân rết” la cà bến xe, bến tàu. Chúng luôn nhắm vào những thanh niên mới lên thành phố tìm việc làm. Khi thấy “con mồi”, chúng tiếp cận, mồi chài, giới thiệu những công việc với mức thu nhập cao, làm việc nhẹ nhàng.

Khi con mồi sập bẫy, chúng đưa nạn nhân đến các địa phương ven biển, xa hàng trăm km bằng taxi hoặc xe ôm để giao cho các đối tượng cầm đầu đường dây. Tại đây các nạn nhân phải ký vào giấy vay nợ của các đối tượng cầm đầu để có tiền trả khoản phí đi lại. Khi người lao động chống đối, liền bị đánh đập, sau đó bị đẩy thẳng xuống các tàu cá, bất chấp sức khỏe, khả năng chịu sóng gió, tay nghề… Nhiều người trong số họ trở thành những lao động đánh cá bất đắc dĩ. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến trong quá trình làm việc trên biển, không ít thuyền viên bị tai nạn. Cũng có nhiều trường hợp, sau những ngày đi biển cực nhọc đã phải nhảy xuống biển tìm cách thoát thân, hoặc liên lạc về gia đình cầu cứu.

Tuy nhiên, không phải tất cả lao động nghề biển đều xuống tàu theo cách như vậy. Bức tranh chủ đạo vẫn là lao động nghề biển tham gia một cách tự nguyện. Chỉ có điều, họ vào nghề theo một cách nghĩ quá đơn giản: Lao động trên biển là một nghề phổ thông, chỉ cần có sức khỏe. Những điều khác như kinh nghiệm, kỹ năng có thể học sau. Đây là cách nhìn sai lầm, dẫn đến số lượng lao động nghề biển hiện nay ít có khả năng thích ứng với môi trường sóng gió, kỹ năng tồn tại và tự bảo vệ trên biển. Thống kê về các vụ tai nạn đối với thuyền viên tàu cá trong thời gian qua có thể thấy nhiều vụ do thuyền viên chưa được trang bị các kỹ năng trước khi ra khơi: đêm tối rơi xuống biển mất tích, bất cẩn trong lao động, không biết bơi khi gặp thời tiết xấu, đánh nhau trong khi hành nghề, sử dụng ma túy…

Ngoài chuyện tai nạn xảy ra nhiều, thực trạng thuyền viên tàu cá thiếu lành nghề cũng là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động thấp, nhiều tàu cá hoạt động thiếu hiệu quả.

Để chủ động nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu làm việc trên biển, thiết nghĩ các cơ quan hữu quan như chính quyền cơ sở, sở nông nghiệp phát triển nông thôn, trung tâm giới thiệu việc làm các địa phương cần phối hợp tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo nghề đi biển, giúp vừa lành nghề vừa có kỹ năng chống chọi với điều kiện lao động nghiệt ngã trên biển. 

Việc tổ chức các lớp đào tạo cần nhận được sự hỗ trợ từ các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên có kinh nghiệm. Vì hơn ai hết, họ là những người thầy giỏi nhất khi đã có hàng chục năm lăn lộn với biển cả.

Bên cạnh đó, người lao động sau khi tham gia khóa học cần được cấp chứng chỉ chuyên môn. Việc cung ứng lao động cũng cần được tổ chức lại thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm. Các chủ tàu sẽ tiếp cận nguồn nhân lực thông qua các trung tâm và phải ký hợp đồng đàng hoàng với người lao động. Có như thế các chủ tàu mới yên tâm về chất lượng thuyền viên, người lao động cũng không lo bị lừa gạt, các đối tượng “cò” lao động cũng không còn đất sống.

Đi liền với công tác đào tạo, tổ chức phân phối lao động, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có chế tài đủ mạnh để xử lý các chủ phương tiện sử dụng lao động chưa qua đào tạo từ các đối tương “cò” lao động trái phép. Phải xem lao động trên biển là một nghề đặc thù với tính chất nguy hiểm và có những đòi hỏi cao về chuyên môn, sức khỏe.

HOÀNG TRỌNG HIỆP

 
;
.