Bệnh viện cần tiên phong hạn chế rác thải nhựa

Thứ Ba, 20/08/2019, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

Chị Đào Thị Thu Trang lùi sâu vào góc thang máy đã chật người của Bệnh viện Bà Rịa, cố gắng giữ cặp lồng đựng cơm và tô canh không đổ ở chỗ đông người. Chị thăm nuôi mẹ mình, bà Dương Thị Tám, ngụ tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, điều trị ở khoa nội hơn 1 tuần nay. Nhưng điều gì ở chị Trang gây cho tôi sự chú ý? Bởi vì, trong tất cả vật dụng chị mang theo không có lấy một hộp xốp, một túi nilon dù chị biết dùng ly nhựa, túi nilon thì sẽ không lo bị sánh đổ thức ăn. 

Rác thải nhựa từ các thiết bị, vật dụng y tế, dụng cụ y khoa bằng nhựa dùng một lần được dùng phổ biến trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong ảnh Một ca phẫu thuật cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN
Rác thải nhựa từ các thiết bị, vật dụng y tế, dụng cụ y khoa bằng nhựa dùng một lần được dùng phổ biến trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong ảnh Một ca phẫu thuật cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN

Ý thức hạn chế rác thải nhựa không phải tự dưng mà có ở các chị, nhất là trong bối cảnh vội vàng trong giờ thăm nuôi bệnh nhân. Chị Trang nói, lâu nay vẫn theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, thấy được nguy cơ từ rác thải nhựa dùng 1 lần, nên chị tự ý thức để dần tập thành thói quen. Không những vậy, chị còn vận động những người xung quanh mình hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, trong đó có chị Lý, cũng thăm nuôi mẹ ở bệnh viện. Tuy nhiên, theo chị Trang, rác thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt không đáng ngại bằng rác thải nhựa từ hoạt động chuyên môn của bệnh viện.

Dù chưa có số liệu thống kê của ngành y tế hay bất cứ cuộc điều tra, đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế, nhưng theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường lấy ý kiến (như: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này là khá lớn, dao động trong khoảng 10-45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12-17%. 

Trên thực tế, theo Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) do đặc thù ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân tại cơ sở y tế làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân còn lớn hơn, và việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở những khâu này là vô cùng khó.

Đương nhiên, việc “nói không với rác thải nhựa” không đồng nghĩa với chuyện “nói không với bơm kim tiêm dùng 1 lần”. Và hơn thế nữa, rất nhiều thiết bị, dụng cụ y tế dù có được chế tạo từ chất liệu nhựa thì vẫn buộc phải sử dụng 1 lần. Đó là bước tiến vượt trội của ngành y. Người ta không thể trở lại cái thời kỳ mỗi lần tiêm lại phải đưa bơm kim tiêm đi luộc và nhúng cồn.

Nhưng một khi đang là “tâm điểm” của rác thải nhựa. Khi những dụng cụ Y tế bằng nhựa dùng một lần chưa có vật liệu mới tương ứng để thay thế thì bệnh viện và các cơ sở y tế phải tiên phong trong việc tuyên truyền, loại bỏ rác thải nhựa sinh hoạt. Đó cũng chính là lý do, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế. Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.  

THẢO LINH

 
;
.