Vi phạm quy định cách ly, chịu hình phạt nào?

Thứ Sáu, 04/12/2020, 18:16 [GMT+7]
In bài này
.

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh vừa khởi tố vụ án “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một vụ việc được khởi tố điều tra theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Nếu xác định hành vi phạm tội, các cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ chịu hình phạt nào? Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT) về vấn đề này.

 • Phóng viên: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về việc Cơ quan an ninh quyết định khởi tố vụ án?

- Luật sư Trương Xuân Tám: Theo những thông tin ban đầu, các ca nhiễm Covid-19 mới tại TP.Hồ Chí Minh là do lây lan trong quá trình cách ly. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm. Do đó, việc Cơ quan an ninh khởi tố vụ án là kịp thời. Đây là lần đầu tiên một vụ việc liên quan đến an toàn cách ly vì bệnh truyền nhiễm được khởi tố. Điều này, có tác dụng răn đe rất lớn về ý thức phòng chống dịch bệnh.

• Ông có cho rằng, hiện nay, đa phần người dân chưa nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và những hậu quả phải gánh chịu nếu không tuân thủ quy định phòng chống dịch?

- Trên thực tế, việc phòng chống dịch (cụ thể là Covid-19) chủ yếu dựa vào biện pháp tuyên truyền. Trước vụ việc ở TP.Hồ Chí Minh, chưa có vụ việc vi phạm an toàn cách ly bị khởi tố, chưa có cá nhân, tổ chức nào bị truy tố… Vì vậy, đúng là một bộ phận lớn người dân chưa nhận thức sâu sắc về những hậu quả pháp lý phải gánh chịu vì vi phạm an toàn cách ly.

• Theo quy định hiện hành, các hành vi vi phạm quy định cách ly sẽ bị xử lý như thế nào?

- COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, thuộc nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, đã được Thủ tướng Chính phủ công bố tại Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020.

Với dịch bệnh thuộc nhóm A thì mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hành vi trốn tránh cách ly, trốn khỏi nơi cách ly là vi phạm pháp luật. Người trốn tránh cách ly, bỏ trốn khỏi nơi cách ly có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng cho các hành vi không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh; từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế… Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.

• Còn trường hợp không tuân thủ quy định cách ly, làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

-  Những trường hợp trốn cách ly hoặc không tuân thủ các quy định cách ly làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Riêng đối với dịch Covid-19, ngày 30/3/2020, TAND tối cao đã ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC về hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến phòng, chống COVID-19. Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch đã được thông báo cách ly mà thực hiện một trong các hành vi gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Cụ thể là các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly;  không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;  không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Còn người chưa được xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà thực hiện các hành vi gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

• Xin cảm ơn ông!

THÀNH MỸ
(Thực hiện)

 
;
.