Lối sống kém văn minh

Thứ Sáu, 22/01/2021, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Một chiếc ô tô đời mới đang chạy bon bon trên một con đường ở khu trung tâm thành phố. Cửa sổ ô tô bỗng hé mở, những người chạy xe máy phía sau hoảng hốt dạt ra hai bên khi thấy một “vật thể lạ” bay vụt ra khỏi cửa. Vỏ đậu phộng, vỏ bánh đã hết và khăn giấy đã qua sử dụng rơi khỏi túi ni lông, theo gió đi bay khắp nơi.

Trên vỉa hè, một phụ nữ ăn mặc sang trọng dẫn con đi tản bộ. Bé gái vừa uống hết hộp sữa, vội nhìn xung quanh rồi lúng túng hỏi: “Bỏ ở đâu hở mẹ?”. Không cần do dự, mẹ cô bé thản nhiên trả lời: “Bỏ đại xuống đất đi con”. Hộp sữa nằm chỏng chơ bên vệ đường. Cách đó chừng 100m, thùng rác công cộng... “buồn thiu đứng nhìn”.

Một trường đại học thuê sân khấu ca nhạc cho sinh viên tổ chức đêm văn nghệ. Trước ngày biểu diễn chính thức, các bạn sinh viên phải tập trung cả ngày để tập dợt, tổng duyệt chương trình... Sau 17 giờ, khi các bạn sinh viên đã ra về, khu vực phía ngoài, quanh sân khấu giống hệt một bãi rác công cộng. Những hộp cơm đã hết hoặc còn thừa, những túi ni-lông đựng nước uống, giấy rác... nằm la liệt. Ba thùng rác lớn nằm chễm chệ ngay góc sân khấu nhưng... “thất nghiệp”.

Khi bàn về nếp sống văn minh đô thị, không ít người vẫn cho rằng: “Dân mình chưa có được nếp sống văn minh vì còn nghèo”. Nhiều người đi Singapore về so sánh đường phố của họ và Việt Nam rồi kết luận: “Bao giờ dân mình giàu như họ mới mong có thành phố sạch đẹp”. Ý kiến này e rằng phiến diện và không chính xác. Ai nói nghèo là thiếu văn minh? Là không biết giữ gìn vệ sinh chung? Chịu khó quan sát cuộc sống hằng ngày, không khó để thấy rằng xã hội có rất nhiều người không giàu nhưng vẫn rất ý thức trong việc giữ gìn thành phố xanh sạch đẹp.

Anh bán dừa dạo nặng nhọc đẩy xe đến thùng rác bên vệ đường. Chung quanh thùng rác la liệt các túi rác lớn nhỏ. Không bồi thêm rác vào đống rác đã đầy ắp kia, anh lần lượt bỏ những trái dừa mà khách đã uống hết vào thùng. Người mẹ chở đứa con khoảng sáu tuổi trên một chiếc xe đạp cũ, chậm rãi dừng lại ở thùng rác bên lề đường để đứa trẻ bỏ vỏ bao snack vào. Chị bán vé số uống hết chai nước khoáng khách tặng, vẫn cặp nách kè kè bên mình để cho người nhặt ve chai…

Chuyện giữ nhà mình thật sạch, nhưng lại thản nhiên vứt rác sang nhà hàng xóm không còn là cá biệt. Kinh tế đất nước ngày càng phát triển nhưng thay đổi thói quen vứt rác, phóng uế bừa bãi của mọi người dường như không dễ. Trong nhà trường, học sinh được giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, để rác đúng nơi quy định ngay từ mẫu giáo. Nhưng tiếc thay, khi ra khỏi trường, phụ huynh lại là những gương xấu.

Xin đừng biện minh cho lối sống thiếu văn minh vì đất nước còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn hay vì những hoàn cảnh nào khác. Tất cả đều là ngụy biện. Văn minh hay không tùy thuộc vào ý thức, nhân cách của mỗi cá nhân và cách giáo dục trong từng gia đình. Những điều ấy cần phải được giáo dục từ nhỏ và phải thực hành thường xuyên mới có thể trở nên thói quen tốt.

TRẦN THÁI HỌC

 

;
.