Vẫn tràn lan hủ tục rải vàng mã trên đường

Chủ Nhật, 03/01/2021, 08:33 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù trong những năm gần đây chính quyền một số địa phương ở nước ta đã tiến hành xử phạt không ít các trường hợp chủ trại hòm, chủ gia đình rải vàng mã trong khi đưa tang, nhưng trên thực tế thì thi thoảng lưu thông trên đường tại các đô thị tôi vẫn thường bắt gặp hình ảnh các tờ tiền vàng mã bay tung tóe, vương vãi đầy trên mặt đường khi đoàn xe tang đi qua. Thậm chí, ở nhiều con đường công nhân vệ sinh vừa vất vả quét sạch, nhưng chỉ cần một đám tang đi qua là vàng mã lại ngập tràn, bay tung tóe...

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các thành phố, mà tại nhiều vùng quê, thậm chí ở miền núi khi tổ chức tang lễ người dân vẫn đua nhau rải vàng mã khi đưa tang, thậm chí rải rất nhiều. Việc rải vàng mã khi đưa tang như vậy không chỉ lãng phí về mặt kinh tế, mà nó còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Được biết, theo khoản d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi rải vàng mã sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng do vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Quy định rõ ràng là vậy, và chính quyền các địa phương cũng tiến hành tuyên truyền để người dân hiểu và từ bỏ hủ tục rải vàng mã khi đưa tang, nhưng dường như vẫn không mang lại hiệu quả, bởi như chúng ta thấy tình trạng các đám tang rải vàng mã vẫn tràn lan.

Theo tôi nghĩ tình trạng trên tồn tại dai dẳng do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do người dân chưa ý thức về hủ tục này, bởi nhiều người vẫn “quan niệm” rằng: Nếu không rải vàng mã khi đưa tang thì người chết sẽ không có… lệ phí đi đường, vì thế bằng hình thức nào họ cũng rải vàng mã, dù ít hay nhiều! Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền ở các địa phương dẫu có tiến hành công tác tuyên truyền, vận động nhưng chưa thường xuyên và sâu rộng, lại chỉ làm theo đợt, theo phòng trào, sau đó lại chìm vào quên lãng. Hơn thế nữa, công tác xử phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng chưa thật quyết liệt, còn nể nang vì gia chủ có đám tang…, nên chưa đủ sức nặng răn đe!

Vấn đề đặt ra ở đây là, khi gia đình nào có đám tang, thì chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần phải đến gia đình vận động không rải vàng mã khi đưa tang, nhất là trong trong nội ô thành phố. Chỉ cho họ thấy được việc rải vàng mã là hành vi xả rác làm bẩn đường phố, đồng thời nếu cần cũng nên gắn biển cấm tại các tuyến đường phố với nội dung quy định “tuyệt đối không được rải vàng mã”, nhất là các tuyến đường chính, khu hành chính… Làm tốt công tác này sẽ giúp tang gia chủ động không rải vàng mã ngay từ đầu, và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

ĐẶNG ĐỨC

 
;
.