Bị tinh giản biên chế được hưởng những quyền lợi gì?

Thứ Hai, 20/03/2023, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được câu hỏi của nhiều bạn đọc về chính sách và quyền lợi của người lao động (NLĐ) khi thực hiện tinh giản biên chế và thôi việc trong đơn vị sự nghiệp nhà nước. 

NLĐ đến làm hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
NLĐ đến làm hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề bạn đọc quan tâm,  ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP đã quy định cụ thể về chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, NLĐ.

Cụ thể, đối với người về hưu trước tuổi thì theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ gồm: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương…

Đối với người lao động chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước thì tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.

Đối với chính sách thôi việc ngay theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được hưởng các khoản trợ cấp sau: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.

Bên cạnh đó, chính sách thôi việc sau khi đi học nghề thì theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định: Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, BHYT trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề. Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm. Đồng thời được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.

Điều 11 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định, cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. Nếu công chức đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo 6 tháng. Các chế độ chính sách tinh giản biên chế được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Cạnh đó, theo BHXH tỉnh, trường hợp người bị tinh giản biên chế được đơn vị sự nghiệp nhà nước nộp bảo hiểm thất nghiệp thì đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐTBXH) để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được hưởng trợ cấp. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.

Bài, ảnh: QUANG LÊ 

 

;
.