.

Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật: 18:44, 17/04/2018 (GMT+7)

Tập huấn khởi sự DN, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tư vấn, giới thiệu việc làm… là những hoạt động thiết thực được các cấp Đoàn tích cực thực hiện thời gian qua nhằm giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Nhận thấy việc nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế do thiếu kỹ năng, kiến thức, từ đầu năm 2013 đến nay, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề cho 5.771 lượt ĐVTN. 

Sau khi tham gia lớp tập huấn “Những kiến thức cơ bản giúp ĐVTN vươn lên làm giàu bằng nghề nông” và thăm các mô hình làm kinh tế giỏi do Huyện Đoàn Đất Đỏ tổ chức, năm 2015, anh Nguyễn Đức Toàn (ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng để chuyển đổi sang mô hình trồng quýt và mít. Để có được một vườn quýt, mít đạt năng suất cao như hiện nay, trước khi trồng, anh Toàn đã đầu tư san ủi mặt bằng, bón phân hữu cơ, đồng thời chú trọng chọn giống, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi trồng quýt… Nhận thấy việc nuôi dê sẽ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn từ lá cây và bón phân hữu cơ từ chất thải của dê sẽ giúp cây sinh trưởng tốt và cải tạo được đất, anh Toàn mạnh dạn đầu tư dựng chuồng nuôi 50 con dê. Hiện mô hình trồng tiêu, cà phê kết hợp nuôi dê của anh Toàn cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.

Cũng như anh Toàn, thông qua lớp tập huấn, nhiều ĐVTN đã nhận thức được vị trí, vai trò của khoa học công nghệ, cũng như lợi ích, hiệu quả của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, từ đó xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xác định khởi nghiệp không đơn thuần là lập nghiệp, mà là sự đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên, làm giàu của tuổi trẻ, qua đó, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về nghề nghiệp, việc làm của ĐVTN, từ năm 2013 đến nay, các cấp Đoàn đã tổ chức 4 lớp khởi sự DN cho hơn 1.435 cán bộ, ĐVTN. Qua đó, nhiều bạn trẻ có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước đây, anh Nguyễn Minh Châu (SN 1988 ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) từng đi làm công tại các xưởng cơ khí ở Đồng Nai, Bình Dương, với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Năm 2013, sau khi tham gia lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức, anh Châu nhận thấy nhu cầu về gia công cơ khí tại địa phương khá cao, anh đã vay mượn 100 triệu đồng mở xưởng cơ khí Minh Châu ngay tại nhà. Không chỉ chủ động tiếp cận để tìm kiếm khách hàng, anh Châu còn dày công nghiên cứu để cho ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhờ đó mà các sản phẩm do xưởng của anh Châu làm ra ngày càng tạo được uy tín trên thị trường. Năm 2015, sau khi trả xong các khoản vay, anh Châu đầu tư thêm 200 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị, máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất. Hiện nay, xưởng cơ khí cho anh Châu thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 ĐVTN với mức thu nhập 300-400 ngàn đồng/người/ngày.

Anh Nguyễn Minh Châu (bìa phải) hướng dẫn công nhân sử dụng máy cắt tại xưởng cơ khí Minh Châu.
Anh Nguyễn Minh Châu (bìa phải) hướng dẫn công nhân sử dụng máy cắt tại xưởng cơ khí Minh Châu.

Hằng năm, các cấp Đoàn còn phối hợp với các trường CĐ, ĐH trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn ngành nghề, các chuyến tham quan, hướng nghiệp cho HS khối THCS, THPT; phối hợp với Sở LĐTBXH, các DN trong và ngoài tỉnh tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 27.214 ĐVTN, qua đó giải quyết việc làm cho 14.765 ĐVTN nông thôn.

“Để khơi dậy tinh thần xung kích, sáng tạo, thay đổi nhận thức của ĐVTN về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, các cơ sở Đoàn cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”, tạo điều kiện cho ĐVTN học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng”, anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.