Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta có nhiệm vụ làm di sản hồi sinh

Thứ Sáu, 27/07/2018, 16:19 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 27-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. Cùng dự Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Thủ tướng nhấn mạnh, di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia; Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, là phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này.

Cho rằng nhiệm vụ này trong thời gian qua cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về lượng khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này như pháp luật đã có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm. Công tác phối hợp của các cấp các ngành chưa tốt.

Theo Thủ tướng, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm. Nguồn lực tài chính dành cho công tác này luôn hạn chế, trong khi chưa phát huy được tốt nhất nguồn lực trong dân, vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bên cạnh đó còn những thách thức như cùng với thực hiện đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế, đầu tư nước ngoài, sức ép của toàn cầu hóa đối với văn hóa truyền thống ngày càng lớn; sức ép của quá trình đô thị hóa, của việc biến tướng trong khai thác di sản, tận thu mà không đầu tư cho giữ gìn, sự xuống cấp của di sản văn hóa và thiên nhiên do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu... là những nguy cơ hiện hữu với các di sản văn hóa và thiên nhiên. Những thách thức trên đặt ra vấn đề cấp thiết tăng cường bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi; xử lý hài hòa, thỏa đáng quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Trên cơ sở kết quả hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

ĐỨC TUÂN

 

;
.