Bế mạc Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Hai, 13/08/2018, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 13-8, Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tuyến với sự tham gia chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội về những hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng chống tội phạm, xử lý tiêu cực, gian lận trong thi cử…

Tại đầu cầu BR-VT, đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp ngăn chặn, xử lý hành vi phạm tội gian lận, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hóa đơn… Ảnh: NGỌC NGUYỄN
Tại đầu cầu BR-VT, đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp ngăn chặn, xử lý hành vi phạm tội gian lận, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hóa đơn… Ảnh: NGỌC NGUYỄN

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu tỉnh BR-VT, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, tham dự phiên chất vấn.

CẦN THỰC HIỆN TỐT CÁC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DTTS

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT đề nghị đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết nguyên nhân của tình trạng di cư tự phát, trách nhiệm và giải pháp chấm dứt tình trạng di cư tự phát.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, chỉ riêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 19 ngàn hộ người đồng bào DTTS từ các tỉnh phía Bắc di cư tự phát cần phải bố trí sắp xếp. Nguyên nhân chính là do đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; Công tác quản lý Nhà nước chưa thực hiện tốt ở địa phương nơi đồng bào đi và địa phương nơi đồng bào đến sống. Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều đã nắm được tình hình. Vào quý III-2018, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá tình trạng di cư tự phát và đề ra những giải pháp căn cơ.

Về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, thu nhập bình quân của người DTTS chỉ được 7-8 triệu/người/năm, bằng 1/5 cả nước. Với trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, là cơ quan tham mưu chính, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình và tiếp tục thực hiện 6 giải pháp: Phát triển đồng bộ hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và GD-ĐT, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, tuyên truyền để bà con tự lực vươn lên, cần tích hợp các chính sách (hiện nay hệ thống chính sách dân tộc có 116 chính sách) thành Chương trình mục tiêu quốc gia…

GIAN LẬN VỀ THI CỬ ĐƯỢC “HÂM NÓNG”

Đăng đàn giải đáp mối quan tâm của các ĐBQH về xử lý gian lận thi cử, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là những thủ đoạn mới được phát hiện trong năm 2018. Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ GD-ĐT để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu khép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.

Cũng trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Tô Lâm đã đề cập đến sự phức tạp của vấn nạn xâm hại trẻ em hiện nay. Bộ trưởng cho biết, năm 2017, phát hiện 1.592 vụ, giảm 3% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 721 vụ xâm hại trẻ em (tăng 12,1%) với 853 đối tượng phạm tội, xâm hại 797 em, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục chiếm 84% (xảy ra 612 vụ với 736 đối tượng, xâm hại 686 em). 80% nạn nhân các vụ xâm hại là các cháu gái. Các đối tượng gây ra các vụ việc thường chưa có tiền án tiền sự và phần lớn là những người quen thân với nạn nhân. Hầu hết các vụ xâm hại không có nhân chứng, nạn nhân là trẻ em còn nhỏ nên tâm lý hoảng loạn, khai báo thiếu thống nhất hoặc khai theo lời hướng dẫn của gia đình, thân nhân, gây khó khăn cho việc điều tra, phá án. Hiện Bộ đang chỉ đạo công an các địa phương để tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong người dân, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. 

Sau phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu bế mạc phiên họp. Chủ tịch QH cho rằng, phiên họp 26 đã hoàn thành chương trình đề ra. Đề nghị các cơ quan tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật và báo cáo giám sát theo kết luận. 

PHÚC LƯU

;
.