KỶ NIỆM 73 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9:

Biển người "như nước vỡ bờ" trong ngày giành chính quyền

Thứ Năm, 16/08/2018, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đã ở tuổi 90 nhưng trong ký ức của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (SN 1928), tên thường gọi là Tư Cang vẫn in giữ không khí cách mạng, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đỉnh Lầu Nước (nay là Nhà Tròn) Bà Rịa vào ngày 25-8-1945-ngày chính quyền về tay nhân dân Bà Rịa.

Khu vực Lầu nước (nay là Nhà Tròn) Bà Rịa-nơi diễn ra lễ mít tính vào sáng ngày 25-8-1945. Ảnh: MINH NHÂN
Khu vực Lầu nước (nay là Nhà Tròn) Bà Rịa-nơi diễn ra lễ mít tính vào sáng ngày 25-8-1945. Ảnh: MINH NHÂN

Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại: “Từ tờ mờ sáng 25-8-1945, đông đảo trai tráng, người dân, đàn bà, trẻ con đều kéo đến sân nhà hội của làng Long Phước. Tất cả những đinh tráng trong làng đều cầm những cây tầm vông vót nhọn, những ngọn giáo hiên ngang, tất cả đều hừng hực khí thế. Từ giữa đám đông người, Thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong Mã Văn Thái tuyên bố dõng dạc: “Tất cả theo tôi ra trung tâm Bà Rịa giành chính quyền!”.

Sau tiếng hô vang ấy, không ai bảo ai, đoàn người rầm rập tiến về khu vực Lầu nước Bà Rịa. Đại tá Nguyễn Văn Tàu cho biết, vào thời điểm đó dù từ làng Long Phước ra Lầu Nước Bà Rịa chừng 7 cây số, nhưng dường như dòng người cứ phăng phăng mà tiến lên nên thấy thật gần. Vừa đi, mọi người cùng hô vang những khẩu hiệu cách mạng”.

Khi đoàn người tiến đến thị xã thì người dân tại các làng khác cũng tề tựu đông đủ. Một không khí cách mạng hào tráng, với những băng rôn, với những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Có cả khẩu hiệu được viết bằng tiếng Anh “Independence or death”, nghĩa là “Độc lập hay là chết”. Đại tá Nguyễn Văn Tàu và những người tham gia khởi nghĩa xúc động nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới trên nền trời.

Trước đó, ngày 24-8-1945, anh Lê Văn Quang đã đưa lá cờ đỏ sao vàng từ Tổng bộ Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn về Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh. Trần Ngọc Anh, người thợ hớt tóc đã được anh Võ Văn Nghĩa, Đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong Phước Lễ được trao nhiệm vụ tổ chức treo lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Lầu Nước trung tâm tỉnh lỵ, trước khi trời sáng. Ủy ban khởi nghĩa huy động các cơ sở thợ may tranh thủ may thêm cờ đỏ sao vàng ngay trong đêm để kịp phục vụ cuộc mít tinh giành chính quyền vào sáng hôm sau. Lực lượng xung kích khẩn trương dựng khán đài, vẽ biểu ngữ và luân phiên thức suốt đêm, bố trí canh phòng cẩn mật địa điểm mít tinh là khu vực Lầu Nước, nhằm bảo đảm thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu tham dự họp mặt Biểu dương người có công do Tỉnh ủy-HDND-UBND-UBMTTQVN tỉnh tổ chức vào ngày 24-7-2017. Ảnh: PHÚC LƯU
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu tham dự họp mặt Biểu dương người có công do Tỉnh ủy-HDND-UBND-UBMTTQVN tỉnh tổ chức vào ngày 24-7-2017. Ảnh: PHÚC LƯU

Sáng ngày 25-8-1945, một vạn người hàng ngũ chỉnh tề tập hợp tại trung tâm tỉnh lỵ. Lực lượng thanh niên xung kích canh gác bảo vệ lễ đài, án ngữ các ngả đường vào tỉnh lỵ. Một tiểu đội thanh niên xung kích hộ tống Dương Văn Xá, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, đại diện Ủy ban khởi nghĩa đến Toà tham biện, thông báo cho Tỉnh trưởng Lê Thành Long biết, chấp hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa Trung ương, nhân dân Bà Rịa đã đồng tâm nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Lê Thành Long chấp nhận yêu cầu của Ủy ban khởi nghĩa, trao toàn bộ ấn tín và Hồ sơ cho cách mạng.

Trong khi đó, một tiểu đội thanh niên xung kích khác hộ tống Lưu Văn Vầy, trong ban thủ lĩnh đến gặp Satô, chỉ huy quân đội Nhật, yêu cầu quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, binh lính Nhật không được ra khỏi trại, riêng Satô được mời đến dự mít tinh. Sau bài diễn văn hùng hồn của Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, thay mặt cho Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố nền độc lập của nhân dân Bà Rịa, Tỉnh trưởng Lê Thành Long đã xin từ chức, trao lại chính quyền cho nhân dân. Anh Huỳnh Công Vinh thay mặt cho lực lượng Thanh niên Tiền phong đọc lời tuyên thệ suốt đời trung thành với Tổ quốc Việt Nam, nguyện bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của dân tộc.

Sau cuộc mít tinh, Thanh niên Tiền phong dẫn đầu các đoàn tuần hành quanh tỉnh lỵ, rồi tỏa về từng cơ sở giành chính quyền. Tổ Thanh niên Tiền phong xóm Lưới do Hoàng Sơn Hải làm tổ trưởng đã tổ chức lực lượng chiếm giữ Dinh Tỉnh trưởng, hạ lá cờ quẻ ly của Nhật, kéo lá cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Tỉnh trưởng, xác nhận độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Các tổ Thanh niên Tiền phong Phước Lễ chia nhau chiếm giữ và canh gác các công sở.

Một tổ thanh niên xung kích khác được giao nhiệm vụ mở cửa khám giải phóng cho tù chính trị. Thanh niên Tiền phong các xã tập hợp thành từng đoàn trở về giải tán toàn bộ tề xã, thành lập chính quyền cách mạng. Thanh niên Tiền phong Phước Lễ tổ chức canh gác bảo vệ trụ sở của Ủy ban hành chính tỉnh.

Tại Long Điền, đoàn Thanh niên Tiền phong vũ trang bằng dao, mác, tầm vông vạt nhọn đã vây nhà việc, bắt quận trưởng Giỏi, thu ấn tín Hồ sơ và hô vang các khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm; Đả đảo thực dân Pháp; Chính quyền về tay Việt Minh.

Tại Đất Đỏ, tình hình cũng diễn ra tương tự. Sau khi giành chính quyền ở quận, lực lượng Thanh niên Tiền phong là đạo quân xung kích, trở về từng làng, bắt bọn hương lý phải nộp hết ấn tín, sổ sách cho nhân dân. Khí thế cách mạng hừng hực từ phố xá đến thôn quê.

Các xã ven lộ 2 cũng hừng hực khí thế cách mạng. Thanh niên Tiền phong các sở cao su truy bắt những tên tay sai thân phát xít Nhật, thân đế quốc Pháp từng hà hiếp công nhân đưa ra cảnh cáo. Các xã vùng Long Xuyên, Long Kiên, Long Phước, Long Tân sau khi giải tán Ban hội tề đã cử người đại diện lên tổ chức chính quyền cách mạng ở xã và tổ chức canh gác bảo vệ trật tự an ninh trong làng xóm. Thanh niên hăng hái luyện tập võ thuật và tham gia phong trào bình dân học vụ.

Với lực lượng Thanh niên Tiền phong có vũ trang làm đạo quân chủ lực, Chi bộ Bà Rịa đã lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ cùng ngày với Sài Gòn-Gia Định, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tây Ninh và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi quyết định của Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ.

NGỌC NGUYỄN
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh và lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Tàu)

Theo hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa, sáng 28-8-1945, hơn 4.000 đồng bào Vũng Tàu đã tập trung tại sân vận động Lam Sơn. Đội Cảm tử quân cách mạng làm nhiệm vụ bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa. Thanh niên Tiền phong các xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam cũng hưởng ứng, tập hợp thành đội ngũ trong sân vận động. Đồng chí Dương Bạch Mai đã long trọng tuyên bố trước 4.000 người dự mít tinh: “Từ giờ phút này, chính quyền thật sự về tay nhân dân”. Tỉnh trưởng Lâm Văn Huê từ chức, bàn giao ấn tín và Hồ sơ cho cách mạng.

 

;
.