NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC NĂM 2018:

Đại đoàn kết - then chốt của thành công

Thứ Tư, 14/11/2018, 15:53 [GMT+7]
In bài này
.

Lịch sử hào hùng và những biến cố thăng trầm qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước cho ông cha ta đúc rút bài học quý giá về đoàn kết: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đến thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng bài học đoàn kết dân tộc lên tầm cao lý luận và thành chân lý của thời đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. 

Người dân TP. Bà Rịa đăng ký hiến máu tình nguyện.
Người dân TP. Bà Rịa đăng ký hiến máu tình nguyện.

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là then chốt của thành công”. Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc, là động lực chủ yếu, nguồn lực to lớn quyết định thắng lợi của cách mạng.

Đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng là đoàn kết, tập hợp, tổ chức, giáo dục, rèn luyện mọi người dân, trong đó công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Biên độ đại đoàn kết vô cùng rộng lớn: “Đoàn kết không thiếu một ai, không bỏ sót một người nào”, “Đoàn kết với mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo”, “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phục vụ Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Đại đoàn kết phải kế thừa và nâng giá trị nhân văn “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng: 54 dân tộc chung sống trên đất nước ta đều là anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước độc lập, thống nhất, phồn vinh, để cùng được hưởng những thành quả tự do, ấm no, hạnh phúc”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khởi xướng lý luận đại đoàn kết và thực hành đại đoàn kết, mà còn là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người đã cùng với Trung ương Đảng thu phục, tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giới tính, độ tuổi thành một khối thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhờ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà chúng ta làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ghi dấu ấn vào lịch sử nhân loại: Là nước đầu tiên trên thế giới trong các nước thuộc địa của thực dân Pháp tự mình giành được độc lập dân tộc. Cũng nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà nhân dân ta vượt qua được mọi thử thách hiểm nghèo của lịch sử giai đoạn 1945-1946, thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, giữ vững chính quyền - thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Bằng sức mạnh của cả dân tộc được tập hợp, rèn luyện trong Mặt trận thống nhất, nhân dân ta dám đánh, biết đánh và biết thắng hai cuộc chiến tranh chống xâm lược gay go, ác liệt nhất kể từ sau Đại chiến thế giới thứ II, đưa non sông thu về một mối. 

Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt 30 năm đổi mới đã mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đưa thế và lực của đất nước lên tầm cao mới. Những thập kỷ gần đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nơi quy tụ mọi tổ chức, cá nhân, không chỉ trong nước mà còn cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua hàng loạt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại ở phía sau”, “Đền ơn đáp nghĩa”… đã làm cho bộ mặt quê hương thay da, đổi thịt từng ngày; Đất nước thêm giàu đẹp, văn minh; Đời sống của nhân dân đầy đủ hơn về vật chất, phong phú hơn về tinh thần.

Những ngày này, hơn 11.000 khu dân cư trên cả nước đang tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 04/NQ-ĐCTMTTW của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, biểu thị sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cần thường xuyên duy trì và phát huy. Hướng đến mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, đại đoàn kết toàn dân tộc càng phải được nâng tầm thành động lực chủ yếu thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại đoàn kết luôn là điểm tựa vững chắc của thành công trong quá khứ và hôm nay như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói với nhân dân trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh ĐắkLắc: “Đoàn kết thì thắng, không đoàn kết thì thua”. Nhưng để tập hợp được các tầng lớp nhân dân thành một khối trong chiến lược Đại đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng phải trở thành biểu tượng của dân tộc “Ngoài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”, thành tấm gương tiêu biểu nhất về đoàn kết để Đảng trở thành ngọn cờ, là hạt nhân của khối đại đoàn kết; Nhà nước phải là “người đầy tớ trung thành” mang lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho dân “Việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng gắng sức làm. Việc gì có hại cho dân, dù nhỏ mấy cũng hết sức tránh”; Mặt trận và các đoàn thể phải đổi mới mạnh mẽ phương thức vận động quần chúng nhân dân; Cán bộ, đảng viên phải thật sự là công bộc của dân, bảo vệ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và luôn hành động theo lời Người dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Nguyễn Quang Phi

;
.