Thủ tướng đặt 5 bài toán lớn cho "tổng tham mưu" về kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 19/02/2019, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 19-2, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), yêu cầu cơ quan có vai trò “tổng tham mưu” về kinh tế - xã hội phải dẫn đầu về bứt phá, Thủ tướng đã đặt ra 5 bài toán lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 19-2. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáng 19-2. Ảnh: QUANG HIẾU

Thứ nhất là với tư cách là bộ tổng tham mưu thì Bộ KH&ĐT phải hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2019 có thể tạo ra bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu các ngành. Trong thực hiện phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ năm 2019, trong đó có chữ “bứt phá” thì Bộ KH&ĐT phải dẫn đầu về “bứt phá”.

Thứ hai là để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Bộ phải đề xuất cơ chế chính sách để đi vào hướng này.

Thứ ba là để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, làm sao để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Hành trình chiến lược đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng là gì.

Thứ tư là đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh. Chúng ta có các Nghị quyết 02, 35… nhưng không phải ban hành thế đã là xong. Ngành KH&ĐT cần tham vấn để thực thi đạt kết quả cao nhất, sớm nhất, xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Thứ năm là để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác. Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đề xuất chính sách giải pháp cụ thể, không chấp nhận chính sách không khả thi, không hiệu quả.

Nêu ra các định hướng, tầm nhìn vào năm 2030 là Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, Thủ tướng đặt vấn đề, Bộ KH&ĐT phải làm gì.

Theo Thủ tướng, cùng các bộ, ngành, Bộ KH&ĐT cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, phát huy, huy động mọi nguồn lực, cần đánh giá, hiểu rõ mục tiêu, những định hướng chiến lược, các lĩnh vực cần tập trung cải cách, đổi mới, tiếp tục xây dựng thể chế vượt trội, hiệu quả hơn. Bộ phải luôn phấn đấu xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cần thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Cần có một cách tiếp cận toàn diện, gồm 3 trụ cột để hiện đại hóa thể chế kinh tế, bao gồm các mặt chính trị, xã hội và môi trường. Không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì nó sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc.

ĐỨC TUÂN

;
.