KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP KHU DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CÔN ĐẢO

Côn Đảo đặc biệt nên cần có những ứng xử đặc biệt

Thứ Sáu, 26/04/2019, 21:38 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 26-4, tại huyện Côn Đảo, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy di tích Côn Đảo gắn với quản lý, phát triển du lịch”. Song song với hội thảo là tọa đàm khoa học về mẫu phác thảo tượng sáp tù nhân phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo. Các tham luận tại hội thảo và tọa đàm đề cập đến những vấn đề cụ thể liên quan đến định hướng phát triển bền vững Côn Đảo, bảo đảm sự kết nối giữa lịch sử và hiện tại, quá khứ và tương lai.

Du khách tham quan và nghe thuyết minh tại trại giam Phú Hải.
Du khách tham quan và nghe thuyết minh tại trại giam Phú Hải.

DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG “NÓNG”

Tại hội thảo, ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, những năm qua lượng khách đến huyện đảo ngày càng tăng bởi phương tiện đường thủy được tăng cường từ Sóc Trăng và Vũng Tàu. Năm 2017, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng đột biến, đạt 243.934 lượt, gần gấp đôi so với năm 2016; trong đó, khách quốc tế đạt 31.197 lượt. Doanh thu du lịch năm 2017 đạt 1.165 tỷ đồng. Năm 2018, tổng lượt khách đến tham quan Côn Đảo tăng thêm hơn 40 ngàn lượt so với 2017, doanh thu du lịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Nếu xét về mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 về tổng lượt khách tham quan (180.000 lượt khách vào năm 2020, doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng) thì đến nay, Côn Đảo đã vượt xa các chỉ tiêu đặt ra…

Sự tăng trưởng du khách đến Côn Đảo đã tạo những tác động tích cực về đời sống kinh tế - xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; đồng thời tạo sức hút đầu tư, giúp huyện có thêm nhiều lựa chọn tối ưu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, lượng khách tăng đột biến cũng tạo nên một số sức ép về cơ sở hạ tầng, điều kiện lưu trú và môi trường cho Côn Đảo. Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ lễ tân, phòng, quản lý khách sạn trên địa bàn còn thiếu. Số lượng cơ sở lưu trú tại địa phương dù tăng trưởng nhanh trong vài năm trở lại đây nhưng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, những khó khăn cố hữu ở một huyện đảo xa đất liền là nguồn điện và nguồn nước sạch vẫn chưa được khắc phục. Một trong những yếu tố mà Côn Đảo lo ngại gặp phải trong tương lai là sự mất cân đối về tăng trưởng khách du lịch. Cụ thể, trong năm 2018, tỷ lệ du khách tham quan du lịch sinh thái và khách quốc tế chỉ chiếm trên dưới 10% so với tổng lượng khách đến Côn Đảo. Bên cạnh đó, tình trạng tồn đọng rác sinh hoạt, rác thải đại dương ở Côn Đảo cũng đang ở mức báo động. Với đà tăng trưởng du lịch “nóng” trong những năm gần đây, sức ép về nguy cơ ô nhiễm rác sinh hoạt ngày càng nặng nề hơn.

ĐẦU TƯ PHẢI ĐỒNG BỘ

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đều đánh giá những tiềm năng “có một không hai” của Côn Đảo cả về thiên nhiên lẫn những giá trị của hệ thống di tích lịch sử. Nhưng theo các chuyên gia, để phát huy trọn vẹn tiềm năng của Côn Đảo cần sự đầu tư đồng bộ về mọi mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích. Quan trọng nhất vẫn là lưu giữ được các giá trị cốt lõi của Côn Đảo. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, công tác quản lý, đầu tư đối với Côn Đảo phải xác định rõ phần nào thuộc nhà nước, phần nào là tư nhân, và phải mạnh dạn giao cho tư nhân tham gia. 

Chiều 26-4, tại Hội trường Huyện ủy Côn Đảo, Sở VH-TT tổ chức tọa đàm về mẫu phác thảo tượng sáp tù nhân của Nhà tù Côn Đảo. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Chiều 26-4, tại Hội trường Huyện ủy Côn Đảo, Sở VH-TT tổ chức tọa đàm về mẫu phác thảo tượng sáp tù nhân của Nhà tù Côn Đảo. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lưu ý phải thận trọng trong khai thác các di tích. Theo ông Thọ, những giá trị thuộc về truyền thống thì phải giữ vì đây là cái lõi của Côn Đảo. “Ví dụ, khu trung tâm Côn Đảo cần được giữ nguyên. Đối với Côn Đảo, du lịch là nguồn thu, động lực chính để phát triển các ngành khác và thông qua du lịch để có kinh phí bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, huyện đảo phải giữ gìn cả môi trường văn hóa, thiên nhiên để bổ sung cho giá trị các di tích”, ông Thọ nhấn mạnh. 

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như huyện Côn Đảo phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho du lịch Côn Đảo; nhanh chóng tìm nguồn năng lượng điện cho phát triển Côn Đảo; định hướng rõ ràng và quy hoạch đồng bộ các ngành, rà soát lại các quy hoạch phát triển; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối như mở rộng sân bay, bến tàu, du thuyền, kết nối các tuyến du lịch; bảo vệ môi trường và xây dựng, hình thành văn hóa du lịch cho người dân Côn Đảo.

CẦN NHỮNG ỨNG XỬ ĐẶC BIỆT

Ông Hà Văn Hiển, cựu tù chính trị từng bị giam cầm trong hệ thống nhà tù Côn Đảo đã bật khóc khi nhớ lại quá khứ. Chia sẻ tại hội thảo trong xúc động, ông Hiển cho rằng, Côn Đảo dù phát triển hiện đại đến đâu cũng phải giữ gìn bằng được những di tích lịch sử - bằng chứng của quá trình đấu tranh bất khuất của nhân dân ta và bằng chứng của tội ác mà kẻ thù đã gieo rắc ở chốn “địa ngục trần gian”. Muốn lưu giữ được, phải hiểu lịch sử một cách cặn kẽ, sâu sắc để việc trùng tu, tôn tạo di tích bảo đảm sự chân thật, chính xác. 

Trùng tu, tôn tạo phải bảo đảm phát huy giá trị di tích

Trong tọa đàm khoa học về mẫu phác thảo tượng sáp tù nhân của Nhà tù Côn Đảo, đại diện Công ty CP Xây dựng Tháng Mười (đơn vị tư vấn) đã giới thiệu các tượng sáp tù nhân dựa trên nguyên mẫu tượng hiện có trong các trại tù dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước và các cựu tù chính trị Côn Đảo, các nhà sử học, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để việc phục dựng tượng sáp đúng lịch sử, đúng nhân vật, bảo đảm tính chân thực, sống động.

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí yêu cầu Sở VH-TT và Công ty CP Xây dựng Tháng Mười chỉnh sửa, bổ sung các chi tiết đã được góp ý để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo trong thời gian tới.

Cùng quan điểm này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Côn Đảo là di tích đặc biệt, có sức hút đặc biệt nên phải có ứng xử đặc biệt”. Ông Siêu cảnh báo, tăng trưởng nhanh thường gắn liền với thách thức và nguy cơ, do đó, cần phải tính đến sức ép lên di tích. Ông Siêu đề nghị, để Côn Đảo phát triển bền vững thì không nên phát triển đại trà, tự phát. “Côn Đảo rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nếu đã tổn thương thì không thể lấy lại được”, ông Siêu nói. 

HOÀNG NAM-PHÚC LƯU

;
.