KỶ NIỆM 129 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 – 19-5-2019):

Hồ Chí Minh - Đẹp mãi tên Người

Thứ Sáu, 17/05/2019, 16:30 [GMT+7]
In bài này
.

Tại sao Hồ Chí Minh lại được nhân dân Việt Nam và thế giới yêu mến, kính trọng đến như vậy? Tại sao Người lại được ca ngợi, tôn vinh đến vậy? Tại sao Người trở thành huyền thoại khi còn sống? Và tại sao ngay cả lực lượng thù địch chẳng những không dám xúc phạm, mà còn nể phục Người?... Có lẽ câu trả lời đầy đủ, ngắn gọn, giản đơn nhất: Bởi, Người là Hồ Chí Minh!

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958  -  Ảnh tư liệu.
Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958 - Ảnh tư liệu.

Ở Nhật Bản, một vị sư nổi tiếng từng giải thích: Hồ có nghĩa là Bồ Tát, là đức Phật; Chí Minh là sự minh mẫn, mẫn tiệp của nhân dân. Còn ở Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản thiên anh hùng ca, một tấm gương điển hình nhất. Người đã để lại một gia tài đồ sộ, một di sản quý báu: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Tấm gương đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Con người Bác, cái tên của Bác đã hội tụ đủ phẩm chất, tâm hồn, trí tuệ và phong cách của Người.

Người là Hồ Chí Minh, bởi Người là chiến sĩ cộng sản xuất sắc; thương nước, thương dân; dám dấn thân đấu tranh cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do. Với khát vọng và hoài bão cháy bỏng, khi mới 21 tuổi, Người đã ra đi tìm đường cứu nước và ròng rã 30 năm trời, Người đã vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy để tìm, đấu tranh và mang lại công lý, lẽ phải cho dân tộc. Gian khổ, hiểm nguy vẫn không ngăn được bước chân Người. Khi viên Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut vừa dụ dỗ, vừa hăm dọa, Người khảng khái: “Cảm ơn Ngài! Cái tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.  

Sau cách mạng thắng lợi, Người luôn ấp ủ và khẳng định tấm lòng yêu nước, thương dân: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Hơn ai hết, Người thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm và quặn đau cùng nỗi đau của nhân dân “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau khổ của tôi”. “Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Lẽ sống của Người là: Cái gì có lợi cho dân, cho đất nước là chân lý; phục vụ nhân dân là phục vụ chân lý; làm công bộc cho dân là việc làm cao thượng nhất và sẵn sàng, vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ cho dân.

Người là Hồ Chí Minh, bởi Người là tượng đài trong lòng dân với phong cách sống hiếm có: Thanh bạch, giản dị, cần kiệm, thanh cao, khiêm tốn. Thấm sâu phương châm: Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Người đã khước từ tất cả những lợi ích cá nhân. Đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người không muốn làm phiền một ai. Năm 1946, Người thăm Cộng hòa Pháp, về nước trên chiến hạm Pháp. Một nhân viên phục vụ đã phải sửng sốt báo cáo với Hạm trưởng rằng: Ngài Chủ tịch nói cứ để Ngài tự giặt lấy quần áo! Một chiều, hết giờ làm việc, trời mưa, nhưng vì có việc cần xin ý kiến, đồng chí Trường Chinh sang phòng Bác và không thể tin vào mắt mình: Bác đang ngồi vá áo! Đồng chí càng thương Bác và càng hiểu sâu sắc hơn vì sao Người là Hồ Chí Minh khi Người nói như lời nhắc nhở: “Đảng ta còn nghèo, Chủ tịch Đảng tự vá quần áo của mình là phúc lớn cho Đảng. Nước ta còn nghèo, Chủ tịch nước tự vá quần áo của mình là phúc lớn cho nước!”.

Người là lãnh tụ hành động, nói là làm, hứa là thực hiện. Người luôn đề cao và coi trọng đức “liêm”, sống trong sạch, không màng đến lợi lộc, địa vị, danh tiếng. Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng”, “tham ô là ăn cắp của dân, là có tội với dân với nước”. Người đòi hỏi phải trừng trị “giặc nội xâm” như trừng trị tội phản dân, hại nước. 

Người là Hồ Chí Minh, bởi Người là thần tượng về phong cách ứng xử: Gần gũi, hài hước, xóa nhòa khoảng cách giữa lãnh tụ với thường dân, giữa chủ với khách. Sự tinh tế, thấm đẫm chất nhân văn “nghiêm với bản thân mình mà rộng lòng khoan dung tha thứ với người khác” đã làm cho Người có sức hấp dẫn và thu phục đến kỳ lạ. Người đã chinh phục được tất cả trái tim bằng sự gần gũi, thân mật, chân thành, khiêm nhường, giản dị và trong sáng. Ứng xử Hồ Chí Minh trở thành một nghệ thuật, đến mức một học giả nước ngoài nhận xét “Hồ Chí Minh có rất nhiều đối thủ nhưng tuyệt nhiên Người không có kẻ thù”, rằng “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.

 “Chiều dài những năm tháng không khác nhau, nhưng chiều sâu của lịch sử nằm trong những tháng ngày làm nên một sự nghiệp lớn”. 79 mùa Xuân của cuộc đời Hồ Chí Minh là như vậy! Người trở thành lẽ sống, lý tưởng, niềm tin, “con người nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”, đã làm “rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Là người dân Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào, kiêu hãnh và nguyện sống xứng đáng là con cháu, là công dân của đất nước Hồ Chí Minh. Là cán bộ, đảng viên, chúng ta càng phải phấn đấu cho xứng đáng là học trò của Người, là công bộc, đầy tớ trung thành của nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nguyện đi theo và phấn đấu hoàn thành trọn vẹn điều mong ước cuối cùng của Người “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là lòng kính trọng, biết ơn; là đóa hoa tươi đẹp nhất kính dâng nhân 129 năm Ngày sinh của Người!

NGUYỄN QUANG PHI

 
;
.