Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án Luật

Thứ Hai, 15/07/2019, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 15/7, sau khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu đã cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Quang cảnh Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quang cảnh Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung. 

Cơ bản các ý kiến phát biểu tại Phiên họp tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án luật. Về tên gọi, cơ bản các ý kiến đồng tình với với nội dung giải trình như trong báo cáo. Tên gọi Dân quân tự vệ kế thừa hiện hành và đã được ghi trong Hiến pháp, trong các nghị quyết của Đảng và các quy định trong hệ thống pháp luật và Dân quân tự vệ được hiểu là một lực lượng, trong đó dân quân và tự vệ được tổ chức ở các đơn vị, địa phương cho phù hợp. 

Về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu nhiều trong thảo luật tại Kỳ họp thứ 7 và tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm, cho ý kiến về vấn đề này. Điều 17 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn. Vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp cũng đã được tổng kết, đánh giá và cho rằng đây là nội dung còn nhiều tồn tại hạn chế. Các điều kiện để tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp mặc dù được chỉnh lý nhưng vẫn còn khá chung chung và nội dung giải trình cũng còn chưa rõ. Do đó, nội dung này cũng cần làm rõ thêm.

*Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung, thêm 2 chương và 12 điều. 

Qua phát biểu, thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, trong thời gian ngắn sau kỳ họp, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu chỉnh sửa, làm rõ và bổ sung mới nhiều nội dung.

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến tại Phiên họp cũng tập trung đề cập, làm rõ. Quy định này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối cơ bản, làm rõ thêm nhiều nội dung. Yêu cầu đặt ra đó là quy định về việc tạm hoãn phải bảo đảm chặt chẽ, vừa phục vụ cho công tác quản lý nhưng cũng tránh làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân.      

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hai dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

HOÀNG HOA 

 
;
.