5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư: Luồng gió mới cho người nghèo

Thứ Sáu, 30/08/2019, 22:03 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 30/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.
Ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.

Theo báo cáo từ NHCSXH tỉnh, trong 5 năm (2014-2019) nguồn vốn tín dụng CSXH được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Trong 5 năm qua, nguồn vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã bổ sung thêm 675 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến thời điểm 30/6/2019 đạt 844 tỷ đồng, giúp cho gần 150 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với doanh số cho vay 3.461 tỷ đồng.

CỨU CÁNH CỦA NGƯỜI NGHÈO

Năm 1990, ông Võ Tá Hùng rời quê vào lập nghiệp tại tổ 11, ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Ban đầu, gia đình ông phải ở nhờ nhà người thân. Sau một thời gian làm thuê, vợ chồng ông tích góp mua được 1,5ha đất ruộng trồng lúa, hoa màu và nuôi heo. Song cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau, các con đang trong tuổi ăn, tuổi học. Gia đình ông Hùng được xếp vào diện nghèo chuẩn quốc gia.

Dù túng thiếu là vậy nhưng ông vẫn quyết tâm cho con cái học đến nơi đến chốn. Năm 2013, gia đình ông đón tin vui khi con trai cả đậu ĐH Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh. Niềm vui chưa trọn thì nỗi lo lấy tiền đâu cho con nhập học lại thường trực. Đúng lúc này, ông được tiếp cận thông tin gói tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay. Nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông Hùng đăng ký tham gia tổ tiết kiệm vay vốn và được NHCSXH huyện Xuyên Mộc xét cho vay 45,5 triệu đồng.

Chị Trương Ngọc Huệ, một trong những hộ nghèo đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vay vốn từ NHCSXH.
Chị Trương Ngọc Huệ, một trong những hộ nghèo đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vay vốn từ NHCSXH.

Xét thấy ông Hùng chăm chỉ làm ăn, năm 2014, NHCSXH huyện cho ông vay 25 triệu đồng để trồng 0,5ha tiêu. Nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, đến năm 2016, khi muốn tăng diện tích vườn tiêu, ông tiếp tục được NHCSXH huyện xét cho vay 40 triệu đồng. Ngoài đầu tư trồng tiêu, ông mua thêm 5 con dê giống. Đến năm 2019, đàn dê của ông đã nhân lên 12 con, vườn tiêu cũng vào giai đoạn thu hoạch. “Hiện nay, thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi, mỗi năm gia đình tôi cũng thu về cả trăm triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo, có nhà cửa khang trang, nuôi đủ 3 con đang học đại học và có chút vốn tích lũy. Nguồn vốn CSXH thật sự quý giá với gia đình tôi”, ông Hùng nói.

Với chị Hoàng Thị Tuyết (ở khu phố 1, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) nguồn vốn CSXH không chỉ giúp chị thoát nghèo mà còn mở lối để chị tự tin khai thác lợi thế vùng đất phát triển vật nuôi và trồng trọt. Chị Tuyết kể, năm 2012, chồng chị gặp tai nạn lao động, chị bị tai nạn giao thông, con lại còn nhỏ, gia cảnh vô cùng khó khăn. Thế nhưng, chính quyền phường Hắc Dịch tạo điều kiện xét duyệt hồ sơ, phối hợp với NHCSXH TX.Phú Mỹ cho gia đình chị vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo. Với đồng vốn này, chị Tuyết đầu tư nuôi bò và trồng bưởi. Chăm chỉ làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, chấp hành trả nợ ngân hàng đúng hạn, khi có nhu cầu vay vốn mở rộng diện tích vườn bưởi da xanh và nuôi bò sinh sản, năm 2016-2017, chị Tuyết tiếp tục được NHCSXH cho vay 90 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo. Từ hộ nghèo, gia đình chị đã thoát nghèo và đạt mức thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

NÂNG MỨC CHO VAY HỖ TRỢ VIỆC LÀM

Tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý đến ngày 30/6/2019 là 2.611 tỷ đồng, tăng 1.301 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn ngày càng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,35% (năm 2014) giảm xuống còn 0,07% (tháng 6/2019). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Đó là việc phối hợp giữa UBND các phường, xã, thị trấn với các hội đoàn thể nhận ủy thác và NHCSXH chưa chặt chẽ. Nguồn vốn vay đến các hộ nghèo có lúc chưa kịp thời. Một số đối tượng vay vốn sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, theo ông Lê Xuân Tú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), nguồn vốn của NHCSXH cần tập trung vào một số đối tượng: các hộ thoát nghèo sau 3 năm, bộ đội xuất ngũ, người có thu nhập thấp, những hộ bị thu hồi đất để chuyển đổi ngành nghề… Đồng quan điểm này, bà Đinh Thị Trúc My, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng, hiện nay nhu cầu về vốn giải quyết việc làm trong dân còn rất lớn, do đó hàng năm từ trung ương đến tỉnh, huyện xem xét cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để giải quyết nhu cầu vay vốn tạo việc làm tại địa phương, tránh tái nghèo và thoát nghèo bền vững, hạn chế tín dụng đen.

BR-VT đứng thứ 4 trên cả nước về cân đối nguồn vốn của địa phương các cấp chuyển sang NHCSXH, sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 40-CT/TW, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với tín dụng CHXH; hỗ trợ, tạo điều kiện cho chi nhánh NHCSXH về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thường xuyên rà soát, kiện toàn thành viên, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT các cấp; có nghị quyết tăng cường nguồn lực từ ngân sách địa phương, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế gắn công tác tín dụng CSXH với tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa để hộ nghèo và các đối tượng chính sách yên tâm đầu tư sản xuất…

(Ông Lê Ngọc Bảo, Trưởng Ban Kiểm soát HĐQT NHCSXH Việt Nam)

Ngoài ra, các đại biểu đại diện cho các địa phương, tổ chức chính trị-xã hội cũng đề nghị nâng mức cho vay hỗ trợ việc làm; bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình làm kinh tế trang trại được hỗ trợ vay vốn việc làm, qua đó duy trì và mở rộng sản xuất- kinh doanh.

Đến dự và phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để khắc phục những hạn chế về hoạt động tín dụng chính sách, trong thời gian tới các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều đối tượng chính sách, hộ nghèo biết tiếp cận được nguồn vốn. Các đơn vị liên quan tăng cường giám sát nguồn vốn cho vay, bảo đảm sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, cần có chính sách mở rộng đối tượng cho vay là học sinh - sinh viên, giảm các thủ tục cho vay để giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân…

Bài, ảnh: PHAN HÀ, ĐAN CHÂU

;
.