KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 – 3/2/2020)

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ Nhật, 19/01/2020, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu, khách quan từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ và biết ơn cống hiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, người chuẩn bị đầy đủ tiền đề, điều kiện cần thiết cho việc thành lập Đảng.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Trước cảnh chìm đắm trong nô lệ, nhiều nhà yêu nước đã ra đi để tìm đường cứu nước. Cụ Phan Bội Châu sang Nhật, cụ Phan Chu Trinh sang Pháp… Riêng anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, dù rất khâm phục, nhưng không tán thành con đường và phương pháp của các nhà cách mạng tiền bối. Hành trình tìm cách thức và phương pháp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi về phương Tây, điểm dừng chân đầu tiên là nước Pháp. Người sang Pháp chỉ sau cụ Phan Chu Trinh 2 tháng, sang đến tận nơi sản sinh ra khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” để khám phá tận cùng thực chất đằng sau những từ ấy là gì. 

Con đường chông gai ấy đã cho Người thấu hiểu nỗi thống khổ của giai cấp công nhân, nông dân, người lao động trên thế giới; giúp Người thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm đấu tranh cách mạng quý giá từ châu Á sang châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ la tinh. Và Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đăng trên báo Nhân Đạo, số ra ngày 16 và 17/7/1920.

Ánh sáng của Lênin về giải phóng dân tộc thuộc địa là cơ sở quan trọng bậc nhất để Người lựa chọn đúng con đường cứu nước, cứu dân; giúp Người ủng hộ và gia nhập Quốc tế cộng sản do Lênin sáng lập; bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1920, cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: Từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản; từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp- người đảng viên cộng sản đầu tiên của dân tộc ta.

Trong những năm hoạt động cách mạng đầy hiểm nguy, sau khi lựa chọn con đường cứu nước không có con đường nào khác là cách mạng vô sản, Người tích cực, khẩn trương chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập Đảng. Người nhận thức sâu sắc: “Muốn sống phải làm cách mạng” và làm cách mạng “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.

Thời điểm đó, nhân dân ta trên 90% mù chữ, chủ nghĩa Mác lại là học thuyết khoa học và cách mạng. Bằng nghệ thuật tài tình, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, với phương pháp khoa học, tuyên truyền từ thấp lên cao phù hợp với trình độ dân trí, Người đã chuyển tải và làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước thấm sâu, chiếm ưu thế trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam.

Tháng 6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng do những người cộng sản làm hạt nhân lãnh đạo. Hội thực hiện nhiệm vụ: Trực tiếp đào tạo và lựa chọn, cử thanh niên gửi vào các trường ở Liên Xô, Trung Quốc học tập để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cốt cán sau này cho Đảng. Năm 1928-1929, chủ trương “vô sản hóa”, một số cán bộ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền tuyên truyền, giác ngộ và tổ chức công nhân đấu tranh. Thông qua “vô sản hóa”, đội ngũ cán bộ được tôi luyện, dạn dày và trưởng thành hơn. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đóng góp công sức vô cùng to lớn và hoàn thành vai trò lịch sử cực kỳ quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện cho Đảng ra đời.

Điều cốt yếu của một Đảng không chỉ có tổ chức cán bộ mà còn phải có đường lối chính trị đúng đắn. Người đã dày công nghiên cứu, chuẩn bị, phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: Cách mạng muốn thành công phải có đảng cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp đúng; cách mạng phải là sự nghiệp của quần chúng, trong đó công nông là gốc; phải liên hệ, đoàn kết chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới…

Cuối năm 1929, đầu năm 1930, điều kiện khách quan và chủ quan cho Đảng ra đời đã chín muồi: Phong trào cách mạng đòi hỏi bức thiết phải có một chính đảng cộng sản để nắm giữ vai trò lãnh đạo và những điều kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị đã hoàn thành.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, cùng với sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn xa, trông rộng, Người kịp thời quyết định triệu tập và chủ trì thành công Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người đi tìm đường giải phóng dân tộc, trở thành người dẫn đường cho cách mạng, mà còn là người giữ vai trò chủ chốt kiến tạo, sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng ta. Nhớ đến Người, đến sự kiện thành lập Đảng cách đây 90 năm, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân khắc sâu công lao trời biển của Người, nguyện “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH”, tích cực bảo vệ Đảng, góp sức đổi mới, chỉnh đốn để Đảng  thật sự trong sạch, vững mạnh, mãi trường tồn, đồng hành, lãnh đạo dân tộc: “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” như mong ước của Người.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.