NGÀY LÀM VIỆC THỨ 7, KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Tăng cường bảo vệ trẻ em

Thứ Tư, 27/05/2020, 11:26 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bước vào ngày làm việc thứ 7. Trong ngày làm việc này, Quốc hội xem xét, thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp tại điểm cầu BR-VT.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp tại điểm cầu BR-VT.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Báo cáo nêu rõ: thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.

Tuy nhiên, các vụ xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, trong đó có nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Ngoài ra, số trẻ em phải lao động sớm, trẻ bị bỏ rơi vẫn còn nhiều. Tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở một số nơi.

Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo. Trong năm 2020, Chính phủ cần ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản về Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, giáo dục… Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra, giải quyết, xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo, Quốc hội dành cả ngày để các đại biểu tiến hành thảo luận về vấn đề này.

Tin, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.