KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH QUYỀN CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN HỮU THỌ (10/7/1910-10/7/2020)

Trọn đời gắn bó với cách mạng, với Đảng, với dân

Thứ Năm, 09/07/2020, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhà trí thức giàu tâm huyết, yêu nước nhiệt thành; một lãnh đạo tài năng, đạo đức trong sáng. Cả cuộc đời, ông tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. (Ảnh: Tư liệu)
Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. (Ảnh: Tư liệu)

TỪ NGƯỜI YÊU NƯỚC ĐẾN CHIẾN SĨ CỘNG SẢN

Sinh ra trong một gia đình công chức ở Bến Lức, Long An, năm 1921 chàng thiếu niên Nguyễn Hữu Thọ từ giã quê hương, một mình lên tàu vượt đại dương sang Pháp du học. Sau 11 năm đèn sách xứ người, năm 1932 ông tốt nghiệp Cử nhân Luật loại ưu và trở về quê mở Văn phòng hành nghề Luật sư ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Thời gian sống ở nước Pháp hoa lệ, ông vẫn luôn hướng về đất nước, lòng  trăn trở khôn nguôi “Quê hương còn nghèo, đồng bào còn khổ, phải ráng học giỏi rồi đem hiểu biết làm điều gì có ích cho nước, lợi cho dân”. Dù được đào tạo ở “chính quốc”, thông thạo lịch sử, văn hóa Pháp, có văn bằng cấp cao, Chính phủ Pháp sẵn sàng ưu đãi cho địa vị xã hội xứng đáng, cuộc sống giàu sang, nhưng ông đã khước từ.

Với ông “Khoa học không có tổ quốc, nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc”. Ông luận giải rằng: “Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác”. Và suốt cuộc đời mình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã sống, suy nghĩ, hành động đúng như vậy.

Trực tiếp chứng kiến sự đàn áp dã man của thực dân Pháp trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và những phiên tòa do Pháp dựng lên để buộc tội những chiến sĩ khởi nghĩa, ông khâm phục lý tưởng cao cả, tinh thần bất khuất của những người cộng sản. Tình yêu đất nước, lòng xót thương đồng bào đã nhen nhóm và từng bước đưa ông đến với cách mạng, với lý tưởng cộng sản. 

Ông tích cực tham gia phong trào thanh niên, sinh viên, trí thức đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; liên lạc và tham gia các hoạt động yêu nước; đứng về phía nhân dân, dùng kiến thức và sự hiểu biết của mình để bênh vực lẽ phải, bảo vệ công lý cho những người dân vô tội. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã thổi luồng tư tưởng mới lạ vào tâm trí ông. Sau này ông từng nói: “Sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi cả lối sống, nếp nghĩ của tôi”. Ông từ bỏ chức tước, danh vọng, quyền lợi, bổng lộc, dấn thân chấp nhận gian khổ, hy sinh, gắn bó với cách mạng như một lẽ tự nhiên. Năm 1948 ông tham gia Mặt trận Liên Việt và ngày 16/10/1949, tại Sài Gòn, Ban Trí vận Thành ủy đã kết nạp nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông cảm thấy may mắn, hạnh phúc và luôn thầm cảm ơn Đảng, Bác Hồ đã hướng cuộc đời ông sang trang mới - lý tưởng cách mạng cao đẹp, giúp ích được nhiều hơn cho nước, cho dân.

TRỌN CUỘC ĐỜI VÌ NƯỚC, VÌ DÂN

Hoài bão lớn nhất mà ông phấn đấu, theo đuổi là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước, thực hiện quyền dân chủ, công bằng để mọi người dân được hưởng thành quả cách mạng xứng đáng nhất. Hoài bão đó giúp ông giữ vững khí tiết của người cộng sản, bền gan vượt qua 10 năm bị tù đày ở Khám Lớn (Sài Gòn), Lai Châu, Sơn Tây, Hải Phòng, Phú Yên; vượt qua 13 năm sống, làm việc ở R (chiến khu) đầy gian khổ, khó khăn, ác liệt...

Khi trở thành một trí thức cách mạng, ông hòa nhập vào cuộc đấu tranh với tư cách của một đảng viên hoạt động bí mật, có trách nhiệm lãnh đạo phong trào. Chí khí cách mạng, sự thông minh là tố chất quan trọng tạo nên một Nguyễn Hữu Thọ bất khuất, kiên cường, luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Tháng 2/1962, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đại hội lần thứ nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đại hội lần thứ hai (3/1964), ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN; đến ngày 6/6/1969 tại Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam ông được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời. Tên tuổi, sự nghiệp, công lao của ông gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Mặt trận và cuộc đấu tranh kiên cường, anh dũng, đầy hy sinh, gian khổ của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, với phẩm chất, tài năng và uy tín cao, ông lần lượt được giao nhiều trọng trách: Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước (từ tháng 4/1976), Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ tháng 7/1981), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQVN (từ tháng 11/1988), Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN (từ tháng 8/1994). 50 năm hoạt động cách mạng, 47 năm tuổi Đảng, dù trên bất cứ cương vị gì đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, cống hiến hết sức lực, trí tuệ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhà lãnh đạo có uy tín, sống giản dị, chính trực, khiêm tốn, một tấm gương sáng về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cuộc đời, sự nghiệp của ông gắn bó, tận trung, tận hiếu với Đảng, với dân. Ông “là một trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn người con Việt Nam anh hùng ấy”, như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá.

NGUYỄN QUANG PHI

 
;
.