Tất cả vì sự an toàn hàng hải

Thứ Năm, 02/07/2020, 09:43 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của Bộ GT-VT, giai đoạn 2015-2020, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam (VMS-South) đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH), phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.  

Khánh thành trạm Quản lý luồng hàng hải Phú Mỹ
Khánh thành trạm Quản lý luồng hàng hải Phú Mỹ.

BẢO ĐẢM AN TOÀN TRÊN NHỮNG TUYẾN LUỒNG

Với phương châm “Tất cả vì sự an toàn hàng hải”, VMS-South luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải, điều tiết giao thông trên các tuyến luồng, xử lý kịp thời các sự cố gây ách tắc luồng. Ngoài ra, VMS-South thường xuyên khảo sát, ra thông báo hàng hải, phát hiện và tham gia thanh thải các chướng ngại vật trên các tuyến luồng, xây dựng các công trình hàng hải và sửa chữa cơ khí hàng hải. Nhờ đó, 5 năm qua không có sự cố hàng hải nào xảy ra do lỗi của các báo hiệu hàng hải.  

Song song đó, công tác hoa tiêu hàng hải cũng được VMS-South chú trọng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của khách hàng; bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải. Số lượt hoa tiêu dẫn tàu hàng năm tăng bình quân 6,7%. Về công tác đầu tư trang thiết bị, sửa chữa xây dựng mới các công trình, VMS-South tận dụng mọi nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án, các công trình đèn biển, trạm quản lý luồng hàng hải; trạm hoa tiêu, triển khai thực hiện cải tạo nâng cấp các công trình xuống cấp; mua sắm trang thiết bị phục cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.  

Ông Quách Đình Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VMS-South cho biết: Riêng khu vực quần đảo Trường Sa là quần đảo có vị trí quan trọng, án ngữ tuyến đường hàng hải quốc tế nối liền Đại Tây Dương - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ năm 1990 đến nay, ngành bảo đảm hàng hải đã xây dựng 9 trạm đèn biển trên quần đảo Trường Sa và 4 đèn biển trên nhà giàn DK1. Những hệ thống đèn biển giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc BĐATHH cho các phương tiện thủy, ngành kinh tế biển như đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí, nghiên cứu khoa học. Đây còn là các công trình dân sự nhằm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và thực hiện nghĩa vụ của quốc gia có biển được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS). 

 Theo đó, từ năm 1994 đến nay, đội ngũ công nhân của VMS - South tại các trạm đèn biển khu vực quần đảo Trường Sa luôn là lực lượng đi đầu trong công tác BĐATHH và có số lượng đứng thứ hai sau lực lượng hải quân đóng trên các đảo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ của quốc gia có biển và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực Trường Sa là tàu Hải đăng 05. Mỗi năm, tàu thực hiện 7 chuyến tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ra các đảo, kết hợp vận chuyển nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ quản lý vận hành và sửa chữa, bảo dưỡng trạm.  

Sản xuất hải đồ tại VMS - South.
Sản xuất hải đồ tại VMS - South.

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, 5 năm qua, VMS-South đã thực hiện hàng loạt đề tài nghiên cứu, đưa công nghệ áp dụng vào thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và sản xuất thuộc lĩnh vực BĐATHH. Điển hình như: từ năm 2015, VMS-South đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất hải đồ giấy cho toàn bộ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải trong khu vực quản lý gồm 48 mảnh. Tháng 8/2015, VMS-South đã sản xuất 8 mảnh cho 5 tuyến luồng quan trọng: Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, Soài Rạp - Hiệp Phước, Đồng Nai và Quy Nhơn. Ngày 11/01/2016, Bộ GT-VT đã phê duyệt và cho phép công bố chính thức sản phẩm hải đồ giấy của VMS-South. Trước đó, VMS-South là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thành công hải đồ điện tử các tuyến luồng hàng hải.  

Sản phẩm hải đồ giấy và hải đồ điện tử do VMS-South sản xuất được ứng dụng trong thực tế, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của các đơn vị như: Cảng vụ, hoa tiêu, trục vớt cứu hộ, các hãng tàu... Đặc biệt, sản phẩm hải đồ điện tử đã được sử dụng làm bản đồ nền cho hệ thống kiểm soát lưu thông trên biển của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, giúp tăng cường công tác quản lý, vận hành tàu biển ra vào khu vực Sài Gòn - Vũng Tàu, giảm thiểu nhiều nguy cơ đâm va và các tai nạn tiềm ẩn khác. Trong tương lai, các sản phẩm hải đồ còn có thể hỗ trợ các địa phương trong việc kết hợp với hệ thống thông tin địa lý để quản lý tài nguyên khoáng sản, phòng chống ô nhiễm môi trường biển và hỗ trợ công tác giám sát các phương tiện nạo vét trong khu vực. 

VMS – South đang thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành 53 đèn biển, 25 tuyến luồng hàng hải với tổng chiều dài 778,66 km, 778 báo hiệu hàng hải đảm bảo đúng thông số kỹ thuật. 
Riêng khu vực tỉnh BR-VT, VMS-South quản lý, vận hành 5 đèn biển, 99 báo hiệu hàng hải và 4 tuyến luồng. Trong đó, tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải là một trong những tuyến luồng hàng hải quan trọng của cả nước. Đây là tuyến luồng có mật độ tàu thuyền dày đặc, nơi tập trung các cảng biển lớn có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 200 ngàn DWT. BĐATHH tạo môi trường an toàn cho tàu thuyền ra vào cụm cảng BR-VT, góp phần phát huy vai trò đầu mối giao thương quốc gia và quốc tế, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực lân cận phát triển. 

Ông Trần Đức Thi, Phó Tổng Giám đốc VMS - South cho biết: Đến nay, VMS - South đã xây dựng hệ thống báo hiệu hàng hải đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức hàng hải thế giới; quản lý và vận hành bảo đảm an toàn 25 tuyến luồng hàng hải hoạt động liên tục, ổn định, đúng thông số kỹ thuật theo thông báo hàng hải. Để công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải đạt hiệu quả cao, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển đảo, thời gian tới, VMS-South tiếp tục hoàn thiện môi trường hàng hải điện tử đối với các tuyến luồng hàng hải, trọng tâm là luồng quan trọng như: Vũng Tàu - Thị Vải, Sài Gòn - Vũng Tàu, Soài Rạp - Hiệp Phước, Quy Nhơn, Cam Ranh, luồng Sông Hậu, xây dựng Hải đồ vùng nước cảng biển Trường Sa…; Đầu tư xây dựng các trạm quản lý luồng hàng hải và trạm hoa tiêu hàng hải; đề xuất Cục Hàng hải, Bộ GT-VT xây dựng mới các trạm đèn Trường Sa Đông và Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa; sửa chữa lớn các công trình hàng hải xuống cấp; cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng hàng hải đáp ứng yêu cầu chạy tàu 2 chiều, chạy tàu ban đêm; trang bị thêm các trang thiết bị cần thiết cho các đơn vị để phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. 

Hải đăng Trường Sa Lớn do VMS-South xây dựng và đưa vào quản lý,  vận hành năm 2009.
Hải đăng Trường Sa Lớn do VMS-South xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành năm 2009.

THỤY NHIÊN

;
.