Cử tri chưa đăng ký thường trú, tạm trú được bầu cử như thế nào?

Thứ Hai, 12/04/2021, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

 (Tiếp theo kỳ trước)

Về nguyên tắc, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Trên thực tế, ở một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có một số lượng khá lớn người di cư tự do sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương do nhiều lý do khác nhau (ví dụ như chưa có chỗ ở hợp pháp, chưa hoàn thành thủ tục hành chính hoặc không thực hiện việc đăng ký do không hiểu luật…). Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của cử tri là người di cư tự do, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, thì theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia từ cuộc bầu cử năm 2016, UBND cấp xã cần thông tin cho cử tri trên địa bàn biết về cách thức thực hiện quyền bầu cử và việc lập danh sách cử tri để cử tri quyết định nơi mình đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể là trở về nơi họ đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Trường hợp cử tri vẫn có nguyện vọng được thực hiện việc bầu cử tại địa phương nơi họ đang thực tế sinh sống thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên những cử tri này vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng nơi họ đang thực tế sinh sống và thực hiện quyền bầu cử như đối với cử tri là người tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng (do không có cơ sở để xác định thời gian bắt đầu cư trú tại địa phương).

UBND cấp xã tổ chức để cử tri là người di cư tự do chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của địa phương được xác định trên cơ sở các thôn, bản, cụm dân cư hiện có trên địa bàn.

Cử tri đăng ký thường trú ở địa phương nhưng đi lao động, học tập ở địa phương khác nên thường xuyên không có mặt ở nơi thường trú dài ngày thì việc bảo đảm quyền bầu cử cho họ được thực hiện như thế nào?

Trường hợp cử tri đã đăng ký thường trú ở địa phương, nếu đã làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì được coi là không thường trú tại địa phương. UBND cấp xã tại nơi công dân đăng ký thường trú không ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri. Trong trường hợp này, công dân có quyền đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đang tạm trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi tạm trú.

Trường hợp cử tri trở về nơi thường trú trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú để đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú ở địa phương nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì dù trên thực tế đã vắng mặt dài ngày ở nơi thường trú, UBND cấp xã vẫn phải ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri để họ thực hiện quyền bầu cử ở địa phương, trừ trường hợp bản thân cử tri hoặc người thân của cử tri đó đã thông báo nguyện vọng của cử tri về việc không tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Đồng thời cần có có biện pháp thông tin phù hợp để cử tri biết về việc danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử của mình.

Cử tri là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là công nhân khu công nghiệp có thể được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở giáo dục hoặc nơi có khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp để tiện cho việc tham gia bỏ phiếu có được không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định: “Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, về nguyên tắc, cử tri là sinh viên, công nhân cần đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Trường hợp trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là cán bộ, giáo viên, sinh viên, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp mà có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp (để thuận lợi hơn cho công việc và sinh hoạt của bản thân) có quyền xin cấp giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.

(Còn nữa)

;
.