Rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng chương trình giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 23/07/2021, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, chiều 23/7, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại 2 tổ 16 và 19 cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh, thành: Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ và Đồng Nai về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chuẩn Đô đốc Hải quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Văn Yên phát biểu thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: CHÂU VŨ.
Chuẩn Đô đốc Hải quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Văn Yên phát biểu thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: CHÂU VŨ.

Phát biểu thảo luận, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Khoá XV nhất trí với báo cáo Chương trình Quốc gia giảm nghèo và báo cáo Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Bà Yến đánh giá giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu to lớn, Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 giảm xuống còn 2,75% năm 2020. Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, Việt Nam cũng hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới, thể hiện tính ưu việt của xã hội ta.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Khoá XV phát biểu thảo luận Tổ về nội dung chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: CHÂU VŨ.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Khoá XV phát biểu thảo luận Tổ về nội dung chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: CHÂU VŨ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra thực trạng mất việc làm, thất nghiệp, dẫn đến tình trạng tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tăng. Bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ thống kê, rà soát lại các hộ thất nghiệp, mất việc làm trong thời gian qua để bổ sung vào đối tượng thụ hưởng; đồng thời rà soát lại các chương trình đầu tư để bổ sung ngân sách.

Đến nay, cả nước có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thông mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các đề án có thể có sự trùng lắp do đa số chương trình ưu tiên cho vùng miền núi, hải đảo, Tây Nguyên, các xã, huyện đặc biệt khó khăn. Bà Nguyễn Thị Yến đề nghị rà soát kỹ các dự án, đề án, không để xảy ra tình trạng trùng lắp. Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ thêm cho các địa phương có huyện đảo. Đơn cử, tỉnh BR-VT năm 2020 dù là địa phương nộp ngân sách đứng thứ 4 cả nước, nhưng Trung ương vẫn nên hỗ trợ đầu tư cho huyện đảo duy nhất của địa phương là huyện Côn Đảo để thể hiện vai trò trách nhiệm.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, trong đề án về công nghệ thông tin có nội dung đưa công nghệ thông tin đến với các hộ dân bằng cách cấp điện thoại thông minh cho các hộ. “Theo khảo sát, có tới 90% hộ dân các tỉnh miền núi có nhu cầu tiếp cận công nghệ thông tin. Nhưng thực tế thì cơ sở hạ tầng cho việc này đã bảo đảm hay chưa, cách làm như đã nêu có thực sự hiệu quả hay không. Đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này để bảo đảm yêu cầu đề ra và mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nước, cho người dân, tránh lãng phí”, bà Nguyễn Thị yến nhấn mạnh.

Về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Yến đánh giá, thời gian qua, chương trình đã đạt kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển các xã nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập và tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Yến cũng đặt ra vấn đề “có hay không việc chạy theo thành tích” khi tỷ lệ các xã nông thôn mới đạt tính đến tháng 7/2021 là 64,6%, 12 tỉnh, thành phố có 100% xã nông thôn mới, 4 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới... Trong khi thực chất, các xã nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt thu nhập bình quân đầu người; xem xét lại chất lượng, yêu cầu chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Bà yến cho biết: “Chính phủ đặt ra chỉ tiêu đến 2025 có 80% xã, 50% huyện, 15 tỉnh đạt các chỉ tiêu nông thôn mới… Muốn đạt chỉ tiêu này, cần phải xây dựng lộ trình, đề án cụ thể, chi tiết và xem xét lại các tiêu chí để bảo đảm không xảy ra tình trạng trùng lắp. Cùng với đó, cần đặt ra chỉ tiêu khác nhau cho các vùng, miền, địa phương tùy theo điều kiện thực tế, chứ không đặt ra mức bình quân cho tất cả”.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Tỉnh Ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu về nội dung chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: CHÂU VŨ.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Tỉnh Ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu về nội dung chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: CHÂU VŨ.

Tham gia thảo luận Tổ, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đóng góp ý kiến về công tác giảm nghèo, an sinh xã hội vì cho rằng đây là vấn đề cần thiết, từng bước nâng cao đời sống các đối tượng của chương trình, góp phần thực hiện các các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, vì sự phát triển bền vững. Bà Huỳnh Thị Phúc đề nghị Chính phủ và các bộ ngành chức năng tiếp tục rà soát, điều chỉnh đối tượng thụ hưởng trong các nội dung để bố trí nguồn vốn thực hiện phù hợp. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH, Bộ NN-PTNT và Ủy ban Dân tộc phối hợp rà soát phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia để loại trừ trùng lắp, tránh bỏ sót đối tượng thụ hưởng nhằm triển khai chương trình đạt hiệu quả cao nhất, được sự đồng tình ủng hộ của đối tượng thụ hưởng nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung.

Bác sĩ Dương Tấn Quân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng Dân Tộc của Quốc hội phát biểu về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: CHÂU VŨ.
Bác sĩ Dương Tấn Quân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng Dân Tộc của Quốc hội phát biểu về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: CHÂU VŨ.

Thảo luận về giảm nghèo bền vững, Bác sĩ Dương Tấn Quân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định: “Chương trình giảm nghèo chưa thực sự bền vững do nguy cơ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới cao, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Đến nay, cả nước còn 1,8 triệu hộ nghèo, cận nghèo, ở những địa bàn là “lõi nghèo” của cả nước, một số xã có tỷ lệ nghèo trên 40% thậm chí gần 60% . Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, ưu tiên các nội dung cấp bách như nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề, tránh dàn trải gây lãng phí nguồn lực. Về  việc cung cấp cây, con giống cần quan tâm những loại có năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc thù vùng miền; theo dõi, kiểm tra và có hỗ trợ kịp thời khi người dân gặp khó khăn khi được hỗ trợ; tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho người dân tiếp cận kiến thức khoa học để nuôi trồng đúng kỹ thuật. Ngoài chính sách hỗ trợ, cần tích hợp cho hộ nghèo vay vốn tại ngân hàng chính sách nhằm tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế khám chữa bệnh… Cần có chính sách đặc biệt thu hút nhà đầu tư vào các địa bàn khó khăn; khuyến khích các nhà máy xí nghiệp có chính sách đào tạo nghề bền vững cho người dân; có chính sách hỗ trợ thêm cho người dân trong thời gian theo học nghề…

HOÀNG DƯƠNG

 

;
.