Đoàn ĐBQH tỉnh: Tổ chức lấy ý kiến Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Năm, 11/04/2024, 10:18 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Chương trình Lập pháp năm 2024 của Quốc hội, để chuẩn bị tốt cho công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 10/4, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến phục vụ hoạt động lập pháp đối với 2 dự Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý lập pháp tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý lập pháp tại hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan.

Trên cơ sở gợi ý thảo luận ý kiến lập pháp của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý đối với các nội dung trọng tâm, còn nhiều ý kiến khác của 2 dự luật. Đa số các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí cao với sự cần thiết ban hành và tính khả thi của 2 dự thảo Luật.

Đối với dự thảo luật Đường bộ, các đại biểu đã góp ý đối với các nội dung liên quan đến quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 15); đầu tư xây dựng công trình đường bộ (Điều 32); đường bộ cao tốc (Chương III); trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe (Điều 56); hoạt động vận tải đường bộ (Điều 61); vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 71)…

Đối với dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, các đại biểu tập trung sâu vào nội dung: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 3; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ (Điều 6); cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT đường bộ Điều 8); các hành vi bị nghiêm cấm ( Điều 9); chấp hành báo hiệu đường bộ (Điều 11); sử dụng làn đường ( Điều 13); dừng xe, đỗ xe (Điều 18); mở cửa xe (Điều 18, nay là Điều 19); người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai, trẻ em tham gia giao thông (Điều 30)…

Về quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, các đại biểu đề nghị quy định có giới hạn nồng độ cồn vì nếu người tham gia giao thông có sử dụng thức ăn, uống như: nước trái cây lên men, sữa chua, cơm rượu thì vẫn có nồng độ cồn.

Một số đại biểu cho rằng nên quy định nồng độ cồn đối với 2 nhóm: nhóm điều khiển phương tiện ô tô thì cần quy định nồng độ cồn bằng 0, còn nhóm sử dụng phương tiện giao thông là xe mô tô, phương tiện thô sơ thì cần quy định giới hạn nồng độ cồn…

Bên cạnh đó, với quy định về độ tuổi đối với người sử dụng phương tiện giao thông là xe đạp điện, xe máy điện, xe cơ giới thô sơ…, các đại biểu cho rằng cần quy định tuổi sử dụng phương tiện này từ 14 tuổi trở lên và có chứng chỉ điều khiển phương tiện giao thông. Do đó, Luật cần làm rõ và điều chỉnh chi tiết vấn đề này. Các đại biểu cũng quan tâm thảo luận về nội dung đấu giá biển số xe…

Kết luận hội nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo hướng: Tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm sự thống nhất, đúng phạm vi điều chỉnh, tránh quy định chồng chéo, trùng lặp, nhất là các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước. Nghiên cứu rõ hơn ưu điểm, hạn chế đối với từng nội dung…

CHÂU VŨ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

;
.