Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Thứ Tư, 17/04/2024, 13:18 [GMT+7]
In bài này
.

 

Sáng 17/4, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2024).

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước và đại biểu dự buổi lễ.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước và đại biểu dự buổi lễ.

Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi

Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhưng quê hương là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bằng nghị lực phi thường, đồng chí đã nỗ lực vươn lên học tập, đỗ đầu kỳ thi Thành chung và sớm tham gia các tổ chức yêu nước.

Chân dung Tổng Bí thư Trần Phú và câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú và câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Tháng 6/1926, đồng chí được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Tại đây, đồng chí được dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và nhóm bí mật Cộng sản Đoàn.

Từ một thanh niên trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Liên Xô). Những năm tháng học tập ở đây đã giúp đồng chí Trần Phú tích lũy những vấn đề lý luận chuẩn bị cho bước trưởng thành vượt bậc.

Tại Hội nghị BCH Trung ương tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi.

Bản Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng vượt qua mọi thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.

Tại Nhà trưng bày lưu niệm (trong Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú) đang lưu giữ hơn 100 tài liệu, hiện vật về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư.
Tại Nhà trưng bày lưu niệm (trong Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú) đang lưu giữ hơn 100 tài liệu, hiện vật về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man. Với chí khí của người cộng sản kiên trung, đồng chí Trần Phú hiên ngang trước những thủ đoạn hèn hạ của kẻ thù, khẳng định niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Do bị tra tấn cực hình, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi.

Tấm gương sáng ngời của người cộng sản

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú chưa đầy 10 năm và giữ cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng chưa đến 1 năm, nhưng đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời của người cộng sản mẫu mực và những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nêu rõ: “Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng, củng cố tổ chức Đảng các cấp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến xứ ủy, tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản”.

Noi gương đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã vươn lên giành nhiều kết quả quan trọng.

Em Hồ Phương Linh - Chi đoàn lớp 10 Anh1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đại diện thế hệ trẻ tỉnh nhà phát biểu tại buổi lễ.
Em Hồ Phương Linh - Chi đoàn lớp 10 Anh1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đại diện thế hệ trẻ tỉnh nhà phát biểu tại buổi lễ.

Học tập tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú và các vị tiền bối cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục cùng với Nhân dân cả nước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tái hiện hành trình đi tìm lý tưởng

Tại buổi lễ, đại biểu tham dự được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tái hiện những dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc gây ấn tượng, xúc động đối với người xem.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc gây ấn tượng, xúc động đối với người xem.

Chương trình nghệ thuật được thể hiện qua 3 chương: Khí phách Hồng Lam; Người cộng sản kiên trung; Quê hương vang mãi lời anh, với những hoạt cảnh múa, hoạt cảnh sân khấu có lời thoại để xâu chuỗi các sự kiện.

Đó là câu chuyện về quá trình giác ngộ đi tìm lý tưởng cách mạng và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; những ngày tháng bị địch bắt tra tấn, tù đày, trước lúc hy sinh đã để lại lời hiệu triệu bất hủ cho các đồng chí của mình và muôn đời sau: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Phần cuối chương trình thể hiện hình ảnh quê hương Hà Tĩnh kiên cường, mạnh mẽ, “vang mãi lời anh” trên đường đổi mới và hội nhập, phát triển.

HOÀNG NAM (Theo Báo Hà Tĩnh)

 

 

 

 

;
.