Phát triển du lịch cộng đồng: Không hề dễ! - Bài 2: Cần được đầu tư bài bản

Thứ Năm, 25/10/2018, 16:03 [GMT+7]
In bài này
.

Du lịch cộng đồng là xu thế đang phát triển trên thế giới và nhiều tỉnh, thành trong nước. Tại BR-VT, để loại hình du lịch này phát triển bền vững, Nhà nước cần định hướng, quy hoạch và có chiến lược bài bản trong thu hút đầu tư.

TÂM HUYẾT CHƯA ĐỦ!

Sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro phù hợp để khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Những chiếc gùi của đồng bào Châu Ro được trưng bày tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh.
Sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro phù hợp để khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Những chiếc gùi của đồng bào Châu Ro được trưng bày tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh.

Bà Nguyễn Thị Tứ, chủ đầu tư KDL sinh thái Tứ Phương Thất Đảo là một bác sĩ. Bà mua được hơn 3ha đất tại ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa. Ngoài số cây lấy gỗ, cây ăn trái có sẵn, năm 2004, bà trồng thêm nhiều loại cây trên đất. Nhận thấy nhu cầu tìm về thôn quê nghỉ ngơi, thư giãn của khách, trong khi quanh khu vực đất của bà hội tụ nhiều tiềm năng bổ trợ để phát triển du lịch sinh thái, bà dành 1ha đất trong khuôn viên cải tạo mặt bằng, trồng thêm cây ăn trái; tạo hình 7 hòn đảo và dựng trên mỗi đảo 1 nhà chòi làm nơi ăn uống, thư giãn cho khách. Bà còn thiết kế dòng sông nhân tạo dài hơn 800m quanh 7 hòn đảo cho du khách trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền, câu cá…

Cuối năm 2016, KDL sinh thái Tứ Phương Thất Đảo khai trương. Thời gian đầu, KDL này là điểm đến mới hấp dẫn du khách. Nhưng do bận rộn với công việc của nghề y, bà Tứ giao cho các con quản lý. Được 1 năm, các con rút lui vì cũng quá bận, không đủ sức quán xuyến kinh doanh. Từ năm 2018, bà cho thuê cơ sở. Nhưng người thuê chỉ khai thác tận thu mà không quan tâm tôn tạo, duy tu nên cơ sở vật chất ngày một xuống cấp khiến KDL mất dần khách. “Với giá cho thuê 20 triệu đồng/tháng, tôi vẫn sống khỏe. Thế nhưng, niềm đau đáu biến mảnh đất này thành KDL sinh thái luôn thôi thúc tôi. Tôi nghiệm ra rằng chỉ tâm huyết thôi chưa đủ, muốn làm du lịch sinh thái bài bản phải có kiến thức và tư vấn, quy hoạch”, bà Tứ tâm sự. Hiện nay, bà Tứ đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian chuyên tâm làm du lịch hơn. “Tháng trước, tôi đã gặp gỡ đơn vị tư vấn chuyên cung cấp ý tưởng du lịch sinh thái ở Cam Ranh, Phú Quốc và đặt hàng họ tư vấn, thiết kế mô hình du lịch sinh thái dựa trên thực trạng địa hình khu đất của tôi. Tôi mong sẽ tìm được ý tưởng phù hợp và kêu gọi nhà đầu tư cùng chí hướng để chung sức”, bà Tứ nói.

KDL sinh thái Giếng phun Đá Bạc (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), do Công ty TNHH Quyết Thắng làm chủ đầu tư thì gặp khó vì hạ tầng kỹ thuật kết nối điện, nước, viễn thông chưa có. KDL này phải câu nhờ điện từ nhà máy gạch gần đó từ khi khai trương (tháng 7-2016) đến nay. Việc câu nhờ điện không có hóa đơn nên KDL không hạch toán được vào chi phí kinh doanh. Để có nước sinh hoạt, công ty còn phải bỏ ra gần 400 triệu đồng mua máy lọc nước ngầm. Gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị được hỗ trợ nguồn điện, nước, viễn thông, công ty nhận được trả lời chưa có kế hoạch phủ điện lưới, nước máy, mạng viễn thông đến khu vực này do không có dân cư sinh sống. DN có nhu cầu phải tự đầu tư. Dự kiến, chi phí lắp đặt trạm biến áp, hệ thống cột, dây truyền tải điện gần 1 tỷ đồng. “Nếu được đầu tư bài bản, tôi tin là KDL sẽ đón được nhiều khách. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt hệ thống điện quá lớn so với khả năng của DN, chưa kể hạ tầng giao thông dẫn vào KDL cũng chưa tốt, khi đón khách phải đầu tư lại nên KDL đành để vậy chờ thời”, bà Lê Thị Cẩm Vân, đại diện Công ty TNHH Quyết Thắng ngậm ngùi.

CẦN LỰC ĐẨY TỪ CHÍNH QUYỀN

KDL sinh thái Tứ Phương Thất Đảo đã giảm đáng kể lượng khách do xuống cấp và không được tái đầu tư kịp thời.
KDL sinh thái Tứ Phương Thất Đảo đã giảm đáng kể lượng khách do xuống cấp và không được tái đầu tư kịp thời.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, du lịch cộng đồng ở BR-VT mới manh nha, tự phát, mạnh ai nấy làm, làm chưa đúng nghĩa du lịch cộng đồng nên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch chưa được chú trọng đầu tư và thiếu đồng bộ. Nhiều vùng nông thôn, còn tình trạng thiếu điện, nước sạch, internet… dẫn đến giảm sức hút đầu tư vào loại hình này. “Ở một số nhà vườn, nông dân chủ yếu làm nghề mà chưa có kiến thức phục vụ du lịch, ngoại ngữ và cách quảng bá bài bản; thiếu kết nối giữa nhà vườn với các DN lữ hành và các làng nghề để tạo tour, tuyến phục vụ khách thường xuyên, chuyên nghiệp. Vì vậy, để mở rộng, phát huy hiệu quả loại hình du lịch này, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các ngành chức năng”, ông Trịnh Hàng nhấn mạnh.

Trên tinh thần vừa làm, vừa học dù còn mới mẻ, hiện nay một số địa phương bắt đầu định hướng, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, lợi thế đặc thù của Châu Đức là có đông đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh, nơi lưu giữ giá trị văn hóa của đồng bào Châu Ro vừa hoàn thành nâng cấp mở rộng rất khang trang. Huyện Châu Đức cũng định hướng khai thác giá trị văn hóa của đồng bào Châu Ro để phát triển du lịch. Du khách đến đây sẽ được giao lưu, cảm nhận nét văn hóa đặc trưng, thưởng thức món đặc sản của đồng bào dân tộc Châu Ro. Huyện đã có kế hoạch kết nối với các DN lữ hành khảo sát Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh, hệ thống di tích lịch sử và các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn để xây dựng tour đưa khách về địa phương. “Định hướng đến năm 2020, Châu Đức sẽ phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. Huyện cũng đang kêu gọi đầu tư vào du lịch giải trí. Nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển của Châu Đức, UBND huyện chủ trương tổ chức hội thảo thu hút đầu tư vào du lịch trong tháng 11-2018”, ông Nguyễn Tấn Bản cho biết thêm.

Du khách tham quan, mua sắm tại một vườn trái cây huyện Xuyên Mộc.
Du khách tham quan, mua sắm tại một vườn trái cây huyện Xuyên Mộc.

Từ năm 2017, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã vận động hội viên mở cửa vườn đón khách. Bắt đầu từ vườn bưởi da xanh, rồi đến vườn cam, quýt, nhãn, xoài, thanh long, đến nay đã có 10 hội viên đón khách du lịch tham quan, mua sắm tại vườn. “Thông qua cầu nối của Hội Nông dân, một số hộ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất như nhà sệ sinh, nơi đón tiếp khách, phòng lưu trú, bãi đậu xe; tập huấn kỹ năng tiếp khách, thuyết trình, tổ chức tour; nông sản làm ra cũng được giá khi khách mua tại vườn. Hội tiếp tục vận động thêm một số nhà vườn khác chuyên canh gắn với phục vụ du lịch”, ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc nói.

Để có cái nhìn tổng quát tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, văn hóa, hệ thống di tích, nghề truyền thống của BR-VT, Sở Du lịch đã khảo sát và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên toàn tỉnh, đang lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2018. “Kế hoạch chỉ rõ khu vực nào thuộc huyện, thành phố nào có thể thu hút đầu tư loại hình du lịch này. Sở cũng đề xuất hướng thu hút đầu tư, nguồn hỗ trợ vốn, cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư cho cá nhân, hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng; chính sách hỗ trợ trang thiết bị cần thiết ban đầu, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, tay nghề, quy chuẩn phục vụ khách du lịch; hỗ trợ xúc tiến sản phẩm, quảng bá và kết nối với các đơn vị lữ hành hình thành tour tuyến đưa khách về”, ông Trịnh Hàng cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Theo khảo sát của Sở Du lịch, những khu vực thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng gồm: Nhà Lớn Long Sơn, nghề nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn, khu vực trồng nhãn thuộc phường 11, 12 (TP.Vũng Tàu); nghề trồng hoa kiểng, làm bún, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Long Hương, Kim Dinh (TP.Bà Rịa); nghề làm bánh tráng, đúc đồng tại xã An Ngãi và đánh bắt hải sản ở Phước Tỉnh, Long Hải, Phước Hưng (huyện Long Điền); sinh hoạt văn hóa của đồng bào Châu Ro gắn với Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh, quần thể di tích Bàu Sen, các nhà vườn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức…

 

;
.