Khám phá Hoàng cung và tháp đôi Petronas Towers - Biểu tượng của Malaysia

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:35 [GMT+7]
In bài này
.

Đất nước Malaysia không chỉ nổi tiếng với những cung điện, thánh đường Hồi giáo tôn nghiêm mà còn được nhiều du khách biết đến bởi tòa tháp đôi Petronas Towers tại thủ đô Kuala Lumpur - được cho là biểu tượng của đất nước Malaysia.

Toàn cảnh tòa tháp đôi Petronas Tower.
Toàn cảnh tòa tháp đôi Petronas Tower.

Tham quan biểu tượng của Malaysia

Ngày thứ 2 trong chuyến hành trình khám phá Malaysia, chúng tôi đã có mặt tại Thủ đô Kuala Lumpur và “check-in” ở tháp đôi Petronas Tower. Theo lời của chị Karren, hướng dẫn viên Viettravel tại Malaysia, tháp đôi Petronas Tower là công trình quan trọng hàng đầu tại Kuala Lumpur. Công trình này do kiến trúc sư César Pelli (người Argentina) thiết kế và được hoàn thành vào năm 1998. Đây là tòa nhà có chiều cao 1.483 foot (452 mét) tính từ mặt đất đến chóp. Kiến trúc sư César Pelli đã thiết kế tòa nhà này như là biểu tượng cho Kuala Lumpur nói riêng và Malaysia nói chung của thế kỷ 21. Nó được xem là minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển bền vững của đất nước Malaysia.

Tòa nhà Petronas giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới suốt từ năm 1998 đến năm 2004, khi tháp Đài Bắc 101 xây dựng. Kể từ đó, nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên cao hơn nhưng tháp đôi Petronas Tower vẫn là một kỳ quan kỹ thuật ấn tượng. Ngoài chiều cao ấn tượng, tòa nhà Petronas Tower còn được xây dựng từ 33.000 tấm kính và 55.000 tấm thép không rỉ trang trí bên ngoài tòa tháp và 29 thang máy lên - xuống 88 tầng. Nối giữa hai tòa tháp là cây cầu Skybridge nằm ở vị trí tầng thứ 41 với độ dài cây cầu lên tới 170 mét. Tuy nhiên, quy định của tòa tháp đôi Petronas Tower là phần trên của cây cầu này chỉ dành cho nhân viên làm việc trực tiếp tại tòa nhà đi. Do đó, lượng khách du lịch được tham quan cây cầu  luôn giới hạn về số lượng người, thường mỗi lần chỉ có 15-20 người được phép đi trên cây cầu này để tham quan.

Khu mua sắm sầm uất Suria KLCC dưới chân tòa tháp.
Khu mua sắm sầm uất Suria KLCC dưới chân tòa tháp.

Cũng theo chị Karren, để có thể xây dựng được tòa tháp cao chọc trời này là cả một quá trình nỗ lực và cố gắng của đất nước Malaysia ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng. Nơi đây là biểu tượng cho sự tự hào dân tộc của người dân Malaysia. “Nếu như ở Mỹ, tượng Nữ thần tự do là biểu tượng của họ thì du khách quốc tế cứ nhắc tới tháp đôi Petronas là người ta lại nhớ ngay đến đất nước Malaysia”, chị Karren cho biết.

Sau khi tham quan các tầng cao của tòa tháp, chúng tôi trở lại khám phá trung tâm mua sắm Suria KLCC ngay ở chân tháp với rất nhiều các cửa hàng bán lẻ quần áo thiết kế, cửa hàng công nghệ - giải trí và hàng chục quán ăn và nhà hàng. Khu phức hợp mua sắm này cũng có một bể thủy sinh, rạp chiếu phim, phòng trưng bày nghệ thuật và phòng hòa nhạc quốc gia. Khu phức hợp Tháp đôi Petronas nằm ở  trung tâm thành phố và có thể dễ dàng đến bằng phương tiện công cộng.

Hoàng Cung nổi bật với kiến trúc hồi giáo

Hoàng cung Malaysia hay còn gọi là Cung điện Hoàng gia Malaysia (Istana Negara) là nơi sinh sống của Quốc vương và Hoàng hậu Malaysia. Đây cũng là địa điểm tổ chức những lễ nghi hoàng gia, nhà nước, nơi đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới khi đến Malaysia.

Cung điện ở Malaysia mới được xây dựng trên ngọn đồi phía bắc có tên gọi là Istana Negara, Janlan Duta để phân biệt với cung điện cũ nằm trong thủ đô Kuala Lumpur, đây là cung điện nổi tiếng tại đất nước Malaysia. Istana Negara là dinh thự chính thức của Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong, cũng là địa điểm tổ chức các lễ nghi hoàng gia, đón tiếp các nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia khác. Cung điện Istana Negara có diện tích lên tới 97,65ha, so với cung điện cũ Alam Shah lớn hơn gấp đôi, chỉ mới được hoàn thành vào tháng 6/2012, với tổng chi phí 258 triệu USD. Cung điện Istana Negara được đưa vào hoạt động dưới thời quốc vương thứ 13 - Tuanku Mizan Zainal Abidin của Malaysia.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm trước Hoàng cung Malaysia.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm trước Hoàng cung Malaysia.

Khi tham quan cung điện hoàng gia Malaysia bước vào khu hành lang chính, hình ảnh đầu tiên du khách nhìn thấy là mái vòm cao 40m, được trang trí bằng đèn chùm được đặt làm riêng ở Kuala Selangor. Trong đó mái vòm lớn được nâng bởi các cột trụ tròn, xung quanh trưng bày 8 bức tranh mô tả quá trình lịch sử của Malaysia. Cung điện Istana Negara có 22 vòm được thiết kế tương tự như các lá trầu xếp nối vào nhau, và nổi bật với 2 mái vòm lớn màu vàng bắt mắt. Cung điện gồm 3 phần chính: khu vực dành riêng cho nhà vua và hoàng hậu Malaysia ở; khu vực dành cho các nghi lễ và khu hành chính. Chính vì vẻ đẹp nguy nga, lộng lẫy này mà Cung điện Hoàng gia trở thành điểm đến thu hút hấp dẫn bất kỳ du khách nào tới Malaysia.

Tất cả các phòng đều được trang trí bằng tranh và nội thất truyền thống của Malaysia. Đặc biệt các đặc điểm đặc trưng của Hồi giáo được thể hiện rõ rệt từ các loại đèn trang trí được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ hoàng kim của chính phủ Hồi giáo. Các câu kinh thánh của kinh Koran được trang trí xung quanh nội thất. Bên cạnh đó tính độc đáo của chạm khắc, tranh được làm hoàn toàn bằng tay.

Cung điện Istana Negara chỉ sử dụng khoảng 65ha cho việc xây dựng cung điện, các khu vực còn lại được sử dụng làm công viên và vùng đệm từ môi trường bên ngoài. Lời khuyên dành cho bạn là khi tham quan cung điện Istana Negara, du khách nên tránh mặc các trang phục màu vàng, vì đó là màu của Hoàng gia Malaysia, không mặc các trang phục quá hở và quá ngắn.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

;
.