HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH

Ở thành phố nhiều mùa hoa

Thứ Bảy, 15/05/2021, 07:41 [GMT+7]
In bài này
.

Vũng Tàu không phải là một thành phố lớn. Không nhất thiết đến Vũng Tàu là cứ phải lên xe xuống ngựa. Vũng Tàu êm đềm và hiền hòa để mỗi người lắng nghe chính mình trong mỗi bước phiếm du.

Một góc đường Hoàng Hoa Thám, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MINH TÂM
Một góc đường Hoàng Hoa Thám, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MINH TÂM

1. Buổi sáng được đánh thức bằng tiếng kéo cửa sắt của quán miến lươn xứ Nghệ phía dưới chung cư, đều đặn như chuông đồng hồ báo thức. Tôi bật dậy, đánh răng, rửa mặt, xỏ chân vào giày, bắt đầu một ngày mới bằng việc chạy bộ quanh hồ.

Lúc này là 5 giờ sáng. Không khí mát lạnh như một que kem. Rất đông người đi bộ. Có cả người Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga - những chuyên gia, kỹ sư làm việc tại các dự án lớn trong KCN như Hyosung, Hóa dầu miền Nam, Posco… Có người đi một mình, cũng có những nhóm 2-3 người. Nhưng gần như không có tiếng động. Hình như ai cũng đang trân trọng mỗi khoảnh khắc trong lành của buổi sớm mai tinh khiết ấy. Qua khỏi hồ là đến sân tập tennis, tiếng đập bóng vút qua vút lại.

Tất nhiên, theo thói quen tôi vòng qua con đường nơi có 37 cây hoa sữa. Đẹp và lãng mạn không kém những con đường trong phim ngôn tình Hàn Quốc, nơi có các cặp đôi thường nắm tay nhau dạo bộ và nói những lời ngọt ngào. Tôi không rõ chiều dài của con đường này bao nhiêu mét, nhưng đi một vòng con đường này là năm trăm năm mươi tám bước chân. Mỗi lần chạy bộ, ít nhất tôi phải làm 10 vòng như thế, trên con đường này mới quay về nhà, bắt đầu một ngày làm việc tràn đầy năng lượng và hứng khởi.

Tự nhiên tôi nhớ đến Việt - người bạn thân hồi mới vào Vũng Tàu lập nghiệp. Ngày đó, những buổi tối cuối tuần tôi và Việt thường có thói quen lang thang khám phá mọi ngõ ngách của thành phố biển. Hẳn nhiên, cả Việt và tôi ngày ấy dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể hình dung được ngập ngụa lau sậy lại trở thành một trung tâm đô thị Chí Linh rộng gần 100ha với 4 tòa chung cư phổng phao, hiện đại và sầm uất như ngày hôm nay.

Trên bãi lau sậy, đầm lầy và các hồ nước ngày ấy, chủ đầu tư DIC Corp đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hệ thống tiện nghi đầy đủ. Chợ, công viên, đường phố, trường học, trung tâm y tế, trung tâm thương mại... Đặc biệt là cây xanh bao phủ khắp nơi.

2. Vũng Tàu mùa nào cũng đẹp. Nhưng có lẽ rực rỡ nhất vẫn là mùa Hè. Mùa của muôn loài hoa đua nhau khoe sắc. Đây cũng được mệnh danh là mùa đẹp nhất trong năm của thành phố biển Vũng Tàu. Con đường Thùy Vân - Bãi Sau, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo… và thậm chí, bất chợt lạc bước chân vào con ngõ nhỏ của đường Lê Lợi cũng ngạc nhiên, thích thú bởi muôn hoa đang khoe sắc. Rồi  đi qua mỗi con đường để nhận ra rằng, sau những quán cà phê nhạc xập xình, sau những quán xá, những công trình xây dựng vẫn còn những góc vườn xinh xắn, khiêm tốn nép mình nhưng vẫn rực rỡ muôn sắc hương. Sắc đỏ của hoa phượng, vàng tươi của huỳnh liên hay hoàng hậu, tim tím của bằng lăng, hồng phai của giáng hương, nâu của những cánh chò xoay xoay trong gió sớm…

Tôi thích nhất ngắm Vũng Tàu vào mùa hoa chò nâu. Khiêm tốn ẩn mình giữa tán cây xanh mướt, đầu tháng 5, những chùm hoa chuyển sắc nâu, được nắng hong khô trước khi thả mình xoay tít trong gió. Giữa cái nắng oi ả, lòng người như dịu lại trước khung cảnh thơ mộng của những cánh dầu bay xoay tít như chong chóng trong gió hè. Sau đó, quả chò đáp xuống, phủ nâu mặt đường ngập nắng, tạo thành một thảm hoa đẹp mắt. Chưa bao giờ lỗi hẹn, tháng 5 về, chò nâu lại lặng lẽ nở hoa, làm cho những con đường Lê Lợi, Thống Nhất, 3 tháng 2, Nguyễn Du… trở nên đẹp lạ kỳ và nên thơ hơn.

Lặng lẽ ngắm nhìn Vũng Tàu với nhịp sống chậm rãi trong những ngày gồng mình chống dịch COVID-19, tôi bỗng thấy một Vũng Tàu rất khác. Vũng Tàu không phải là một thành phố lớn. Không nhất thiết đến Vũng Tàu là cứ phải lên xe xuống ngựa. Vũng Tàu êm đềm và hiền hòa để mỗi người lắng nghe chính mình trong mỗi bước phiếm du.

3. Trong sách Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức, địa danh Vũng Tàu được chép là Thuyền Úc: “Tục gọi Vũng Tàu, ở về phía Đông cách trấn 234 dặm rưỡi. Lưỡi đất phòi ra ngoài biển, càng ra xa càng lớn. Phía Bắc bao lấy cửa Tắc Ký, phía Nam dựa vào Thát Sơn (núi Ghành Rái), che khuất cửa biển Cần Giờ. Thế đất trông rất sung mãn, mặt vũng hướng về Tây, lòng vũng to rộng là nơi thu kết các dòng nhỏ của các sông đầm và các ngòi rạch chảy về biển, làm nơi ghe thuyền đến đậu rất yên ổn”.

Ngược dòng thời gian với bánh xe lịch sử để thấy rằng, ngay từ xưa kia Vũng Tàu đã là một đô thị du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất khi Toàn quyền Đông Dương  ký Nghị định ngày 1/5/1895 chuyển tỉnh Cap Saint Jacques thành thành phố Cap Saint Jacques (TP. Vũng Tàu ngày nay). Những tài liệu lưu trữ còn cho biết chỉ sau nghị định này 5 năm, tức là đầu thế kỷ XX, dân số Vũng Tàu đã tăng lên gấp 14 lần. Không những hội tụ nhiều cư dân các nơi khác đến sinh sống mà còn hình thành quần thể kiến trúc đô thị cho người Âu sống ở Sài Gòn đến nghỉ dưỡng.

Chợt nhớ, trong một hội thảo bàn về việc tổ chức Festival biển, nhà sử học Dương Trung Quốc từng đặt câu hỏi: “Tại sao Vũng Tàu ngay từ xưa kia đã được thành lập như một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng đầu tiên, trước cả các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Lạt? Phải phát huy một bề dày lịch sử đáng trân trọng như thế nào trong đời sống, đánh thức nguồn lực mới cho một “thương hiệu” Vũng Tàu. Lạm nghĩ, trong câu hỏi này đã bao hàm cả câu trả lời. Vị trí lịch sử đã trao cho Vũng Tàu không chỉ trước đây, bây giờ và trong cả tương lai. Đó là một không gian văn hóa xứng tầm vị thế của một thành phố du lịch vốn đang rất thiếu.

Người dân thành phố biển đã hết sức vui mừng khi Bảo tàng tỉnh khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020 vừa qua. Những không gian văn hóa đa chiều được trưng bày trong bảo tàng đã làm thỏa mãn đòi hỏi hiểu biết về đời sống văn hóa tinh thần về vùng biển.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2019. Nơi đây sẽ là trung tâm du lịch, thương mại-tài chính-ngân hàng, dịch vụ hậu cần thủy sản, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng biển, dịch vụ khai thác và chế biến dầu khí của cả nước; quy mô dân số đến năm 2025, khoảng 500.000 người và đến năm 2035 khoảng 650.000 người.

TP. Vũng Tàu sẽ có nhiều thay đổi đáng kể về diện mạo và dáng vóc, bởi hàng loạt các siêu dự án, các công trình hạ tầng trọng điểm sẽ được triển khai. Vũng Tàu cũng đang hướng tới xây dựng một đô thị thông minh, trước tiên là đã đưa vào vận hành Trung tâm Đô thị thông minh - IOC nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Trung tâm ĐTTM -IOC cũng tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, giữa chính quyền và người dân, DN và tổ chức nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội hướng đến mục tiêu TP. Vũng Tàu sẽ trở thành đô thị thông minh vào năm 2025 - như lời ông Hoàng Vũ Thảnh - Quyền Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu kỳ vọng và tin tưởng.

Như vậy - quy hoạch mới được duyệt, hàng loạt các công trình hạ tầng được triển khai sẽ tạo ra động lực tiềm tàng, hỗ trợ mạnh mẽ Vũng Tàu thay đổi vóc dáng, chỉ trong vài năm tới…

Nhưng với bản thân tôi, khi chọn Vũng Tàu làm quê hương thứ hai để gắn bó, vẫn luôn có một kỳ vọng nhiều hơn. Đó là Vũng Tàu cần phải được đặt trong một không gian rộng lớn hơn, không chỉ là kinh tế mà là một không gian văn hóa có chiều sâu. Đó chính là hơi thở cuộc sống nhân văn cho đô thị đang tiến vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

NGÔ GIA

;
.