"Rẽ trái" vượt đại dịch

Thứ Năm, 10/06/2021, 14:57 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch COVID-19 xảy đến khiến việc kinh doanh du lịch đứt gãy. Thay vì đóng cửa, ngưng hoạt động, nhiều DN du lịch, lữ hành đã năng động chuyển hướng bán hàng online, môi giới bất động sản, mở dịch vụ vệ sinh công nghiệp, tư vấn bảo hiểm... Với họ, chuyển hướng là để cầm cự mưu sinh, chờ ngày dịch bệnh được kiểm soát để trở lại với nghiệp “làm dâu trăm họ”. 

Anh Hồ Hoàng Tú chọn mặt hàng để bán online.
Anh Hồ Hoàng Tú chọn mặt hàng để bán online.

LÀM VỆ SINH CÔNG TRÌNH

Một ngày đầu tháng 6, tôi gặp anh Nguyễn Văn Thành (35 tuổi) trong Công ty Novas EZ Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1- CONAC). Anh đang giám sát công nhân lau sàn, lau kính, chuẩn bị dung dịch vệ sinh phần sơn tường vương vãi trên các khung cửa. Khi công nhân nghỉ tay, anh lại thay thế công nhân làm. Thành bảo, chủ giao 2 ngày phải vệ sinh xong toàn bộ công trình, nên phải làm khẩn trương. Khi anh em mệt, cáng đáng không xuể, anh phải xắn tay làm cùng.

Anh Thành là Giám đốc Công ty Thương mại-Sản xuất-Dịch vụ-Du lịch Tuổi trẻ Việt (trụ sở tại đường Vương Thừa Vũ, KP.Phước Lập, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ). Anh mở công ty trên từ năm 2017. Trước dịch COVID-19, anh khá thành công với mảng kinh doanh lữ hành, bán vé máy bay, vé tàu. Thành kể, năm 2018-2019, mỗi tháng đều đặn công ty tổ chức từ 10 đến hơn 40 tour du lịch. “Có những ngày lịch khởi hành lên đến10 tour đưa HS, công nhân các KCN đi du lịch hè. 10 lao động “cứng” và gần 40 hướng dẫn viên thời vụ đôi khi không đủ, tôi phải trực tiếp làm hướng dẫn viên”, anh nhớ lại.

Từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng người đi du lịch giảm dần. Từ số lượng gần 200 lượt tour trong năm 2019, suốt năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh, các công ty, xí nghiệp, trường học là những khách quen đều hạn chế đi du lịch. Kinh doanh thất bát, doanh thu không đủ trang trải chi phí, trả lương nên người lao động rời công ty dần. “Sau Tết tôi có 2 tour nhỏ rồi lại “đứng im” đến khi dịch bùng phát từ đầu tháng 5 đến nay”, Thành kể giọng buồn.

Đúng lúc gặp khó, Thành được người anh tư vấn chuyển sang nghề vệ sinh công nghiệp, dân dụng. Nhận thấy TX. Phú Mỹ nói riêng và BR-VT nói chung tốc độ đô thị hoá nhanh, công trình xây dựng nhiều. Bên cạnh đó, các công ty, xí nghiệp, khách sạn đã hoạt động cũng rất lớn, có đất để phát triển nghề cung ứng dịch vụ vệ sinh, làm sạch công trình, anh quyết định lấn sân thử sức lĩnh vực mới. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã nhận được một số hợp đồng làm vệ sinh công trình sau xây dựng. Dù rất nhỏ, nhưng cũng là nguồn động viên to lớn cho người mới chân ướt chân ráo vào nghề như tôi”, Thành nói.

Anh Hồ Hoàng Tú (bên trái) cùng cộng sự đưa các mặt hàng bày bán lên giao diện website: bariamart.com.
Anh Hồ Hoàng Tú (bên trái) cùng cộng sự đưa các mặt hàng bày bán lên giao diện website: bariamart.com.

BÁN HÀNG QUA MẠNG

Cũng chuyên mảng lữ hành, năm 2020, tour tuyến đứt gãy vì dịch bệnh, anh Hồ Hoàng Tú (31 tuổi) - Trưởng Văn phòng du lịch MGM tại TP. Bà Rịa (102 Phan Bội Châu, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) quyết định chuyển hướng bán hàng tiêu dùng qua mạng. Tú chia sẻ, thời làm du lịch, anh đã bán online voucher phòng lưu trú trên shopee.vn nên khá am hiểu tiềm năng, tiện ích của kênh bán hàng qua mạng.

Bên cạnh đó, qua 1 năm dịch COVID-19 bùng phát, quan sát thấy xu hướng mua sắm của nhiều người đã thay đổi. Thay vì đi chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn mua trực tiếp, nhiều người đã chuyển sang mua online để hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm bệnh. BR-VT có thu nhập khá, dân trí cao là mảnh đất tiềm năng phát triển mảng mua bán online, thế là Tú bắt tay làm.

Anh thiết kế website mang tên bariamart.com và bachhoabaria.com, rồi liên hệ các đại lý, công ty, cơ sở chuyên bán hàng sỉ đặt vấn đề cung cấp nguồn hàng sau đó đăng tải hình ảnh quảng cáo, cách đặt hàng, thanh toán, giao hàng trên 2 website trên. Xác định vừa làm vừa thăm dò thị trường, Tú đang tập trung phát triển tại TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền. “Tín hiệu từ thị trường rất khả quan. Đến thời điểm này, mỗi ngày tôi nhận được khoảng 200 đơn hàng. Khách mua các mặt hàng để phòng chống dịch như: khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, dung dịch sát khuẩn dù chỉ 1 món tôi cũng ship miễn phí”, Tú nói.

Nhiều chủ DN, lao động ngành du lịch khác cũng chuyển hướng với đủ nghề: tư vấn bảo hiểm, môi giới bất động sản, dạy tiếng Anh online… Thế nhưng, trong tâm tưởng của họ, du lịch vẫn là máu thịt. Khi tôi hỏi có quay lại nghề du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, ai cũng khẳng định: “Có chứ, du lịch là nghề “ruột” mà”.

Anh Nguyễn Phát Tiến, đại diện Công ty TNHH Vũng Tàu Villa (số 126/41 Nguyễn Thiện Thuật, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu), chuyên cho thuê căn hộ hiện đang tư vấn bảo hiểm Manulife cho hay: Với biển, khí hậu, thiên nhiên và sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cơ sở và chất lượng dịch vụ ngày cao cấp, BR-VT sẽ luôn là tâm điểm du lịch của cả khu vực Đông Nam Bộ. Kinh doanh du lịch, dịch vụ chắc chắc sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững. “Chắc chắn khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi sẽ trở lại với du lịch”, Phát Tiến khẳng định.

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

;
.