Tháp Eiffel đón khách trở lại

Thứ Sáu, 23/07/2021, 15:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 9 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/7, tháp Eiffel (Pháp) đã đón khách trở lại. Để thực hiện các biện pháp chống dịch, đơn vị quản lý chỉ đón 13.000 lượt người tham quan mỗi ngày, bằng phân nửa bình thường. Đây cũng là sự kiện đánh dấu nối lại hoạt động của ngành du lịch Pháp sau thời gian dài gián đoạn vì đại dịch COVID-19.DƯ LUẬN CÔNG KÍCH

Gustave Eiffel, chủ Công ty Eiffel chịu trách nhiệm thi công Tháp Eiffel.
Gustave Eiffel, chủ Công ty Eiffel chịu trách nhiệm thi công Tháp Eiffel.

Dự án xây dựng tháp Eiffel được ấp ủ từ tháng 6/1884 bởi Công ty Eiffel, một công ty chuyên về giàn giáo kim loại và kết cấu xây dựng công nghiệp. Nhằm chuẩn bị cho một cuộc triển lãm hoàn vũ vào năm 1889 nhân kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp, Công ty Eiffel dự định xây một ngọn tháp cao 300m, được thiết kế như một cột cổng khổng lồ chống bởi bốn xà đỡ dựng chéo và cách xa nhau ở đáy, gặp nhau tại đỉnh. Các xà đỡ này liên kết với nhau bằng các xà kim loại khác bố trí cách đều.

Ngày 18/9/1884, Công ty Eiffel nhận bằng phát minh về “một biện pháp mới cho phép xây dựng các trụ cầu và các cột chống kim loại có độ cao có thể vượt quá 300m”. Tuy nhiên đây là sáng chế mới nên Công ty Eiffel đã rất thận trọng khi thiết kế. Hai kỹ sư chính là Emile Nouguier và Maurice Koechlin phải nhờ kiến trúc sư nổi tiếng nhất nước Pháp lúc đó - Stephen Sauvestre - tham gia định dạng góp ý thêm về kết cấu, hình dáng. Stephen Sauvestre thêm bê tông cho các chân đế, nối 4 cột chống thẳng đứng và tầng một của tháp bằng các cung tròn, bố trí các phòng kính lớn ở các tầng, điều chỉnh đỉnh tháp thành hình bát úp, tô điểm cho tổng thể công trình bằng các loại hoa văn, tạo cho tháp một hình dáng đặc trưng riêng. Độ cong của các cột chống thẳng đứng được xác định bằng các phương pháp toán học để đảm bảo tháp có sức chịu gió tối đa.

Để thực hiện các biện pháp chống dịch, đơn vị quản lý bắt buộc những người trên 11 tuổi đeo khẩu trang và thang máy chỉ vận chuyển số khách bằng nửa mức bình thường. Như vậy chỉ có khoảng 13.000 khách được đi thang máy lên đỉnh tháp Eiffel để ngắm thủ đô Paris mỗi ngày. Từ ngày 21/7, để phù hợp với các yêu cầu của chính phủ, du khách phải trình “giấy thông hành y tế” cho thấy họ đã tiêm vắc xin COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính gần nhất.

Hơn 2 năm góp ý, điều chỉnh thiết kế song khi công bố, đồ án không đạt được sự nhất trí mà ngược lại còn kích động công luận Pháp thời đó. Không một người dân nào ở thủ đô nước Pháp sống vào cuối thế kỷ XIX lại có thể thờ ơ với thông tin trên. Một nhóm kiến trúc sư và học giả đã ký vào văn bản phản đối việc xây dựng tòa tháp. Họ gọi công trình là “vô dụng” và “quái dị”. Nhiều người cho rằng tháp Eiffel sẽ là một vết đen trên bầu trời Paris.

Sau khi hứng chịu nhiều lời đả kích, ông Gustave Eiffel, chủ và người chịu trách nhiệm chính của Công ty Eiffel đã đồng ý trả lời phỏng vấn vào ngày 14/2/1887, trong đó, ông trình bày vắn tắt quan điểm nghệ thuật của mình: “Về phần mình, tôi tin rằng tháp sẽ có vẻ đẹp riêng. Phải chăng vì chúng tôi là kỹ sư mà người ta không tin rằng chúng tôi không đoái hoài gì đến vẻ đẹp trong xây dựng, rằng chúng tôi chỉ làm những cái chắc chắn và bền vững, chứ không đạt được vẻ thanh lịch? Phải chăng những ràng buộc khoa học của thế giới tự nhiên không bao giờ thỏa mãn những điều kiện bí mật của sự hài hòa?”

Tháp Eiffel xây dựng năm 1889 trở thành công trình biểu tượng của nước Pháp.
Tháp Eiffel xây dựng năm 1889 trở thành công trình biểu tượng của nước Pháp.

HOÀN THÀNH TRONG 26 THÁNG  

Cuối cùng, ngày 1/7/1887, công trình cũng được khởi công. Tất cả các chi tiết đều được chuẩn bị tại nhà máy Levallois-Perret cạnh Paris, nơi đặt đại bản doanh của Công ty Eiffel. Mỗi chi tiết trong số 18.000 chi tiết của Tháp đều được vẽ thiết kế và tính toán trước khi thực hiện với độ chính xác 1/10 mm và sau đó lắp ráp thành từng đơn nguyên 5m. Tại công trường xây dựng, lúc nào cũng có từ 150 - 300 công nhân, được hướng dẫn bởi các công nhân kỳ cựu đã có thâm niên xây dựng các cầu kim loại lớn.

Tất cả các chi tiết kim loại của Tháp đều được liên kết bằng đinh tán, một phương thức mới vào thời đó. Trước tiên, các chi tiết được lắp ráp tại mặt đất bằng bù-lon tạm thời rồi sau đó được thay thế dần bằng cách tán nóng. Khi nguội đi, chúng co lại và đảm bảo sự kết dính giữa các chi tiết.

Để đặt một đinh tán, phải có một tổ 4 người: một người đốt nóng đinh tán, một người giữ nó ở đúng vị trí, một người tạo dạng đầu tán, người cuối cùng tán đinh. Chỉ có một phần ba trong tổng số 2,5 triệu đinh tán được đặt trực tiếp tại vị trí cố định cuối cùng.

Các trụ tháp được đặt trên các khối bê tông đúc sâu trong lòng đất, nằm phía trên một lớp sỏi đã được đầm chắc. Tháp được dựng lên dần dần nhờ một giàn giáo bằng gỗ và các cần trục nhỏ chạy bằng hơi nước. Việc xây bệ tháp và các phần ngầm phía dưới tiến hành chỉ trong 5 tháng, các bộ phận kim loại của tháp được hoàn thành trong 21 tháng còn lại. Nhiều vấn đề kỹ thuật xuất hiện khi lắp ráp thang máy. Các khó khăn về độ cao, sức nặng, trục kéo và góc kéo khác nhau đã đặt ra những vấn đề phức tạp mới mà trước đó chưa ai đề cập đến. Để lên đến tầng ba, cao hơn tầng hai 160m, ông Edoux đã thiết kế một ca-bin có thể chứa được 110 người với tải trọng tối đa 8 tấn.

Sau 2 năm, 2 tháng và 5 ngày thi công, công trình đã hoàn thành. Bất chấp độ cao, giá rét và gió lốc, không một tai nạn chết người nào xảy ra trong quá trình xây dựng. Tháp Eiffel nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine ở Paris, được biết tới với biệt danh “Bà đầm sắt” (Iron Lady) trở thành công trình cao nhất thế giới khi đó.

ĐẾN CÔNG TRÌNH BIỂU TƯỢNG

Ngay từ ban đầu, bên cạnh chức năng du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích khoa học. Một phòng thí nghiệm về khí tượng và hàng không đã sử dụng tầng cao nhất của tháp. Tháp Eiffel đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong Thế chiến thứ nhất, đặc biệt là trong trận Marne năm 1914. Cụ thể, từ đỉnh tháp, người ta có thể gửi tín hiệu chỉ đạo quân đội Pháp từ nơi tiền tuyến. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho toàn vùng Paris.

Vào ban đêm, cứ 5 phút, khoảng 20.000 ngọn đèn và 336 máy chiếu hoạt động, tạo nên vẻ đẹp tráng lệ cho biểu tượng của “kinh đô ánh sáng” Paris. Kể cả ăng-ten, tháp Eiffel cao 324m (chiều cao nguyên bản trên thiết kế là 300m) và là công trình cao nhất nước Pháp hiện nay. Do tháp được làm hoàn toàn bằng sắt và kim loại nên chiều cao của tháp sẽ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ thay đổi. Vào mùa hè, tháp Eiffel cao hơn khoảng 17cm. Vào mùa đông, độ cao của tháp giảm từ 10-20cm.

Ban đầu, biểu tượng Paris có màu sơn vàng. Từ năm 1953 đến 1961, người ta sử dụng màu nâu đỏ cho công trình kiến trúc này. Cứ 7 năm một lần, toàn bộ tháp sẽ “khoác” lớp sơn mới để chống gỉ và mỗi lần như vậy, Eiffel “ngốn” khoảng 60 tấn sơn.

Tháp Eiffel thu hút khoảng 7 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và giữ vị trí công trình thu phí thu hút nhất trên thế giới. Trong số các du khách, người Pháp chỉ chiếm 13%. Số còn lại là người nước ngoài mà tỷ lệ cao nhất là người Mỹ, Anh và Italy. Tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng của nước Pháp hơn 100 năm qua. Tháp Eiffel cùng với Champ-de-Mars là nơi tổ chức các lễ hội, các buổi hòa nhạc của thành phố, Eiffel còn trở thành nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ. Ngọn tháp này xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, văn học, điện ảnh, truyền hình …

Nhiều nước trên thế giới như: Anh, Trung Quốc, Rumani, Đan Mạch, Bungari, Kazakhstan, Nhật Bản, Tây Ban Nha… đã tạo các các bản sao từ Tháp Eiffel trên đất nước họ.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.