Một ngày ở cồn Thới Sơn

Thứ Bảy, 23/03/2019, 09:20 [GMT+7]
In bài này
.

Cồn Thới Sơn thuộc xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. Nơi đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong các tour du lịch về Đồng bằng sông Cửu Long. Một ngày ở cồn Thới Sơn, du khách được chiêm ngưỡng thiên nhiên sông nước, tìm hiểu văn hóa và cách làm du lịch của người dân nơi đây.

Một điểm làm kẹo dừa thủ công trên cồn Thới Sơn.
Một điểm làm kẹo dừa thủ công trên cồn Thới Sơn.

Chúng tôi có chuyến tham quan, khám phá cồn Thới Sơn (còn gọi là cồn Lân) nhân chuyến học nghiệp vụ tại TP.Mỹ Tho. Để đến cồn Thới Sơn, có 2 cách: Ngồi tàu vượt sông Tiền hoặc đi xe qua cầu Rạch Miễu. Chúng tôi chọn di chuyển bằng tàu để cảm nhận không khí trong lành, nét yên bình của cảnh vật và nhịp sống trên sông. Theo lịch trình tour đặt trước, 8g30 thuyền mới xuất phát. Đến sớm gần 20 phút, chúng tôi tranh thủ “selfie” check in đăng facebook khoe bạn bè. 

Ngày đầu tuần, Bến Tàu thủy Du lịch Mỹ Tho (số 8, đường 30-4, phường 1, TP.Mỹ Tho) vắng khách. Trên bến, lác đác vài đoàn khách Việt, khách Tây di chuyển xuống tàu dưới sự hướng dẫn của những nữ hướng dẫn viên duyên dáng trong bộ áo bà ba. Dưới bến có gần 30 chiếc tàu đang chờ khách. Đúng 8 giờ 30 tàu rời bến. Bằng chất giọng miền Tây ngọt ngào, chị Trần Thị Kim Lý, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Rồng Phương Nam nói chúng tôi mặc áo phao cho an toàn. “Sông Tiền đoạn này chia thành nhiều nhánh nên dòng chảy mạnh, độ sâu nhất khoảng 15m khi thủy triều lên. Sáng nay, nước rút cũng còn tầm 10 đến 12m sâu. Đề nghị quý khách mặc áo phao đề phòng bất trắc”, chị Kim Lý cảnh báo. 

15 phút ngồi tàu, chúng tôi đến cồn Thới Sơn. Lối đi trên cồn đã được bê tông sạch sẽ. Các ngôi nhà của người dân ở bên đường từ cổng đến chân tường rào đều trồng hoa, cây cảnh, cây ăn trái. Chị Kim Lý cho hay, nhằm tạo môi trường sinh thái trong lành, sạch đẹp, an toàn cho phát triển du lịch, chính quyền địa phương khuyến khích người dân sinh sống trên cồn thường xuyên duy tu, tôn tạo, bổ sung mảng xanh, không sử dụng thuốc trừ sâu khi chăm bón. Hôm chúng tôi đến, thời tiết khá oi bức do đang vào mùa nắng nóng nhưng sắc vàng của hoa huỳnh liên, sắc trắng và hồng, đỏ của hoa giấy, hoa trang, tigôn, dâm bụt bên hàng dừa xanh và các loại cây ăn trái như: bưởi, nhãn, xoài… làm chúng tôi thấy mát dịu. Cuốc bộ một đoạn, chúng tôi được trải nghiệm dịch vụ xe ngựa. Tiếng móng ngựa lộc cộc gõ trên đường gợi nhớ hình ảnh vận chuyển bằng ngựa trong cuốn tiểu thuyết, phim về miền Tây xưa.

Chiếc xe ngựa đưa chúng tôi đến vườn bưởi rộng hơn 2 ha của anh Đoàn Hồng Linh. Ở cổng vào vườn bưởi, anh Đoàn Hồng Linh đón và đưa chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh đang vào kỳ thu hoạch. “Trước đây chưa làm du lịch, khi bưởi chín tui bán cho thương lái nhưng giá rất thấp. Nhiều thời điểm bưởi chín rộ, thương lái ép giá không thu mua. Tiếc công sức chăm bón, tui chở đi các chợ quanh vùng bán nhưng không ai mua vì nhà nhà đều có bưởi chín”, anh Đoàn Hồng Linh kể. Từ khi làm du lịch, vườn bưởi nhà anh đã có đầu ra. “Khách vào tham quan vườn tui không thu phí, nhưng sau khi nếm bưởi tại vườn,  hầu như khách nào cũng mua về làm quà. Giá bưởi tui bán tại vườn 50 ngàn đồng/kg, vừa giải quyết đầu ra cho bưởi vừa giúp tôi có thu nhập đều đặn hàng ngày”, anh Đoàn Hồng Linh cho biết thêm.

Rời vườn bưởi, chúng tôi tiếp tục tham quan trang trại nuôi ong, tìm hiểu nghề làm kẹo dừa, thưởng thức trà tắc mật ong và nếm thử kẹo dừa, nghe đờn ca tài tử. Tiếp đó, chúng tôi xuống xuồng tam bản dạo trên con lạch uốn lượn quanh co giữa những cây dừa nước đong đưa và cảm nhận đặc trưng vùng đất, thiên nhiên miệt vườn.

Qua một ngày trải nghiệm ở cồn Thới Sơn, chúng tôi nhận thấy việc kêu gọi người dân làm du lịch và du khách nâng ý thức giữ gìn môi trường cho phát triển bền vững được thực hiện khá tốt tại đây. Gần như bất kỳ điểm tham quan nào, chúng tôi cũng bắt gặp những biển, bảng tuyên truyền, vận động du khách bỏ rác đúng nơi quy định, không bẻ cây, hái lá, chung tay giữ màu xanh… Ông Nguyễn Vũ Khanh, Trưởng Ban quản lý KDL Thới Sơn cho biết: Để nâng cao ý thức giữ vệ sinh công cộng của du khách, chúng tôi khuyến khích nhà vườn mở cửa đón khách có đặt thùng rác, thường xuyên thu gom rác thải, chất thải. Ở những khu vực công cộng như đường, bến đò được đặt nhiều thùng đựng rác. Tổ vệ sinh môi trường với 7 người thuộc Ban quản lý KDL Thới Sơn liên tục quét dọn, thu gom rác thải, chất thải bảo đảm môi trường trên cồn luôn sạch sẽ. 

Tại Bến Tàu thủy Du lịch Mỹ Tho, có Trung tâm Điều hành Du lịch với nhiều công ty du lịch nhận đặt phòng nghỉ, bán tour. Khách lẻ hoặc đi theo nhóm muốn tham quan cồn Thới Sơn đến Trung tâm Điều hành Du lịch sẽ được hướng dẫn mua tour. Giá tour được các công ty du lịch thống nhất chung ở các mức (tùy vào các món ăn trưa) là 160 ngàn đồng và 120 ngàn đồng/khách tham quan trong ngày + 1 bữa ăn trưa; 60 ngàn đồng/khách tham quan trong ngày không có ăn trưa. 

Chị Nguyễn Hồng Thanh, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho hay: Đây là lần đầu chị du lịch tại cồn Thới Sơn. Không khí ở đây trong lành, mát mẻ, người dân chân chất, hiếu khách. “Tôi được trải nghiệm và cảm nhận tất cả nét văn hóa đặc trưng của miệt vườn sông nước. Tôi rất ấn tượng về việc bảo vệ môi trường của người dân nơi đây”. 

Bài, ảnh: MINH HIỀN

 
;
.