Thay đổi tư duy, xem chất thải rắn là tài nguyên

Thứ Sáu, 10/07/2020, 20:54 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, tình hình quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh BR-VT đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Nhà máy xử lý CTNH Quý Tiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng công suất xử lý rất thấp.
Nhà máy xử lý CTNH Quý Tiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng công suất xử lý rất thấp.

Do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa xảy ra với tốc độ cao, khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều, CTR đang tạo áp lực rất lớn đối với môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu khai thác hiệu quả, đây sẽ là nguồn tài nguyên tái tạo đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Việc khai thác để biến CTR trở thành nguồn tài nguyên quý giá cũng trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp Việt Nam phù hợp với Chiến lược quản lý tổng hợp CTR được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ đốt CTR phát điện quá cao, nên để công nghệ đốt chất thải phát điện được triển khai thực tế, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như Phí xử lý CTR, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, các chính sách ưu đãi về phí, thuế… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện.

Hiện nay, CTR sinh hoạt thông thường tại BR-VT gồm các loại như xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải có tổng khối lượng trung bình khoảng 1.285 tấn/ngày, trong đó riêng xỉ thép trung bình 1.230 tấn/ngày. Khối lượng chất thải nguy hại khoảng 204 tấn/ngày (không tính bụi lò luyện thép). Lượng chất thải này được thu gom, chuyển giao cho một số đơn vị xử lý trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Hà Lộc, Công ty Cổ phần Môi trường Sao Việt, Công ty TNHH Quý Tiến… Khối lượng CTR y tế phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh khoảng 1,1 tấn/ngày. 

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý CTR, BR-VT cần thực hiện một số giải pháp như: Giao cho Sở TN-MT thống nhất quản lý CTR theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường điều phối, hợp tác giữa các ban, ngành của tỉnh; tăng cường tính chủ động, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý CTR. UBND tỉnh cần xây dựng Đề án tăng cường quản lý CTR, đặc biệt là đối với CTR sinh hoạt, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 theo hướng quản lý tổng hợp CTR, thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý CTR trên địa bàn tỉnh, coi chất thải là tài nguyên; tiếp cận theo phương thức kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng và giảm tối đa lượng CTR phải chôn lấp. 

Cùng với đó, cần huy động và tăng cường nguồn lực xã hội cho quản lý CTR, từng bước xây dựng mức phí xử lý CTR phù hợp để giảm dần gánh nặng ngân sách; huy động sự tham gia tích cực của khối tư nhân thông qua các cơ chế khuyến khích, ưu đãi; cơ chế đấu thầu, tuyển chọn công khai, minh bạch; khuyến khích DN đầu tư phát triển công nghệ tái chế, đốt, tận dụng nhiệt xử lý CTR để phát điện.

Tỉnh cũng cần tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá, dự báo về tình hình phát sinh, quản lý CTR phát sinh từ các nguồn khác nhau làm cơ sở lựa chọn các mô hình/công nghệ xử lý CTR phù hợp. Với đặc thù CTR sinh hoạt có hàm lượng hữu cơ cao (50-60%), cần hướng tới phân loại và xử lý loại hình CTR này bằng biogas hoặc compost; kết hợp với tái chế và đốt thu hồi năng lượng đối với thành phần còn lại; nâng cao chất lượng và đẩy mạnh sản xuất phân vi sinh ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; cân nhắc kết hợp đồng đốt chất thải trong các lò đốt công nghiệp (lò hơi nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện, lò nung clinke, lò thép …); từng bước phát triển ngành công nghiệp tái chế để thay thế dần các hoạt động tái chế phi chính thức thủ công ở các khu dân cư. BR-VT cũng cần nâng cao chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch quản lý CTR. Xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh, trong đó có định hướng quy hoạch về CTR ở cấp địa phương...

PGS.TS. PHÙNG CHÍ SỸ

Trung tâm công nghệ môi trường (entec) Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

;
.