Công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, 23/11/2020, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ để kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng, bảo đảm sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Nuôi tôm theo công nghệ cao tại cơ sở Liên Giang Farm (huyện Long Điền).
Nuôi tôm theo công nghệ cao tại cơ sở Liên Giang Farm (huyện Long Điền).

NHỮNG NÔNG TRẠI SẠCH

Cơ sở Liên Giang Farm (huyện Long Điền) chuyên nuôi tôm công nghệ cao, đi vào hoạt động từ tháng 7/2019. Đây là một trong những cơ sở nuôi tôm đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kiểm soát chất lượng ở mọi khâu sản xuất. Ông Bùi Thế Vương, quản lý Liên Giang Farm cho biết, khi mới bắt tay vào thực hiện, cơ sở được cán bộ kỹ thuật của công ty CP hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi. Liên Giang Farm hiện có 15 ao nuôi tôm công nghệ cao. Mỗi giai đoạn phát triển của tôm sẽ được kiểm tra và chuyển sang từng ao nuôi với tỷ lệ con phù hợp. Nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi được xử lý đạt tiêu chuẩn để loại bỏ mầm bệnh, vi khuẩn. “Hiện nay, cơ sở nuôi 3 vụ, với sản lượng thu hoạch 200 tấn/năm, cung cấp cho thị trường BR-VT và một số công ty thu mua xuất khẩu. Nuôi tôm theo công nghệ cao giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống và bảo vệ được môi trường do kiểm soát được các chỉ tiêu về giống, thức ăn, nguồn nước”, ông Vương nói.

Theo các chủ trang trại, chất lượng hàng hóa đồng đều, bảo đảm an toàn, ít rủi ro khi phụ thuộc vào thời tiết chỉ là 2 trong số nhiều lợi thế của nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. Câu chuyện về mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Vũng Tàu Farm (phường 12, TP. Vũng Tàu) là một ví dụ điển hình. Ông Ngô Sỹ Long chủ sơ sở cho biết, mô hình trồng dưa lưới của ông được Công ty Vifarm hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng từ tháng 6/2019, trên khu đất rộng khoảng 4.000m2. Nhờ đó, quy trình từ ươm, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được quản lý, giám sát theo chuẩn VietGAP. Những túi xơ dừa ươm giống được chuyển vào trồng trong khu nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, tiết kiệm 80% nước so với cách tưới thông thường. Sau khi dưa ra trái, người trồng sẽ lựa chọn giữ lại ở mỗi cành khỏe một trái dưa chất lượng nhất. Với cách chọn lọc này, sản phẩm khi thu hoạch rất đồng đều (trọng lượng từ 1,5-1,8kg/trái) và luôn bảo đảm chất lượng.

KIỂM SOÁT ATTP

Hiện nay, nhiều nông trại đã ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng, giúp người tiêu dùng có thể tự đánh giá và thẩm định chất lượng sản phẩm. Chỉ việc quét mã QR trên thực phẩm bằng ứng dụng trên smartphone, người tiêu dùng gần như có thể truy xuất nguồn gốc của rau, củ, quả ngay lập tức. Do đó, rất nhiều đơn vị sản xuất, bao tiêu nông sản đã nhanh chóng áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc. Chi nhánh phát triển nông sản 4k Farm (TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Hiện nay, Chi nhánh phát triển nông sản 4k Farm là đơn vị cung cấp các sản phẩm nông sản cho hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh. Tất cả các sản phẩm từ 4k Farm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Khách hàng chỉ cần dùng phần mềm quét QR là có thể biết được mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, từ chuyện trồng (nuôi) vào ngày nào, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có chất tăng trưởng, có biến đổi gen hay không; đóng gói ngày nào và do đơn vị nào phân phối…

Hiện nay, việc ứng dụng KH-CN trong quản lý sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn “từ nông trại đến bàn ăn” đang được triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Mục tiêu đặt ra của BR-VT là tiếp tục ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trên nhiều sản phẩm khác và từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, các HTX, trang trại và DN.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.