Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số

Thứ Năm, 28/07/2022, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Hòa cùng tinh thần chuyển đổi số theo Đề án Phát triển thanh toán không tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, từ đầu tháng 4/2022, chương trình “Tuổi trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong chuyển đổi số” đã được Tỉnh Đoàn triển khai. Vượt qua  những khó khăn, chương trình đã mang lại những hiệu ứng tích cực.

SV tham gia ngày hội “Không tiền mặt” quét mã thanh toán khi mua hàng.
SV tham gia ngày hội “Không tiền mặt” quét mã thanh toán khi mua hàng.

Tuyên truyền chuyển đổi số

Từ đầu tháng 4/2022, Hội Sinh viên tỉnh đã phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số, trong đó chú trọng nội dung thanh toán không dùng tiền mặt đến nhóm HS-SV; tổ chức cài đặt miễn phí, hướng dẫn sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán qua thẻ cho HS-SV các trường ĐH, CĐ, THPT, THCS. 

Được các ĐVTN tư vấn, hướng dẫn cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và tuyên truyền về lợi ích của việc không sử dụng tiền mặt, em Phạm Hoàng Long, SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Em thường mua đồ trên các trang Lazada, Shopee và cũng tìm hiểu về hình thức chuyển khoản trực tiếp thay vì đưa tiền mặt. Được các anh chị hướng dẫn, em đã cài đặt app và thanh toán online. Ứng dụng này rất hay, tiện lợi và phù hợp với xu thế mới hiện nay”.

Ở chặng thứ 2, từ giữa tháng 5/2022, đoàn cơ sở các cấp đã thành lập đội hình tình nguyện chuyển đổi số để tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đến ĐVTN và người dân.

Chị Văn Thanh Hiệp, Bí thư Thành Đoàn Bà Rịa cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn như: nhiều người đã lớn tuổi, không sử dụng smartphone, một số người e ngại về tính bảo mật thông tin, thích cầm tiền trên tay hơn tiền trong tài khoản, không nhớ các bước thanh toán…

Cũng gặp khó khăn tương tự, anh Trần Văn Chí, ĐVTN xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cho biết, người dân xã Hòa Hưng đa phần sinh sống bằng nghề nông nên nhiều người chưa tiếp xúc với công nghệ. ĐVTN, thanh niên tình nguyện phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chi nhánh Xuyên Mộc đến nơi tư vấn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, giải thích, hướng dẫn cho bà con hiểu về cách sử dụng và những tiện ích mang lại nhưng nhiều người không mấy mặn mà.

Anh Đỗ Anh Bình, ĐVTN đến từ Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay, đa phần người dân lo lắng, sợ bị lộ thông tin cho bên thứ ba. Tiếp đến là cước phí hàng tháng khi sử dụng dịch vụ. “Đại diện các ngân hàng đã giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu về chính sách bảo mật, chính sách ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn khi cài đặt và sử dụng ứng dụng. Những tiện ích, quyền lợi của người sử dụng, từ đó lượt người tải app, cài đặt và sử dụng không ngừng tăng lên”, anh Bình cho biết.

ĐVTN TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) tuyên truyền, vận động tiểu thương chợ Ngãi Giao tải, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
ĐVTN TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) tuyên truyền, vận động tiểu thương chợ Ngãi Giao tải, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiệu ứng tích cực

Trong hơn 2 tháng phát động ĐVTN và các ngân hàng tập trung vào những nội dung: tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số trong đó tập trung vào thanh toán không dùng tiền mặt; phối-kết hợp với các quỹ tính dụng, ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến ĐVTN, HS, người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả hơn 10.000 lượt ĐVTN đã ra quân tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào các ngày cuối tuần tại từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã tác động mạnh mẽ đến ĐVTN, HS, SV, qua đó có hơn 30.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được mở trong các đối tượng trẻ; hơn 1.000 mã QR thanh toán không dùng tiền mặt được cấp cho các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hơn 80% đoàn viên thuộc khối công chức, lực lượng vũ trang đã cài đặt, sử dụng các hình thức ngân hàng điện tử, ví thanh toán điện tử. ĐVTN các địa phương và các cơ quan cũng phối hợp vận động hơn 1.000 hộ kinh doanh vận hành điểm thanh toán bằng mã QR.

Anh Nguyễn Trọng An, người dân TP.Bà Rịa cho biết, gia đình anh kinh doanh các mặt hàng gia dụng nhiều năm qua. Được ĐVTN phối hợp với ngân hàng đến tận nhà tư vấn, tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, anh đã hiểu và tham gia: “Lúc đầu tôi cũng không hiểu chuyển đổi số là gì nhưng được các bạn tư vấn tôi đã hiểu. Nhiều lúc bận rộn hoặc không có tiền mặt cầm trên tay thì hình thức thanh toán này rất tiện lợi. Hơn nữa các ngân hàng đều có chính sách ưu đãi, khuyến mãi nên không lo về cước phí phải thanh toán”.

Còn chị Phạm Thị Uyên, người dân xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cho biết, các siêu thị họ đã áp dụng hình thức thanh toán không sử dụng nhiều năm, nhưng hình thức này vẫn chưa phổ biến trong nhân dân. Khi các bạn trẻ cùng đại diện ngân hàng phối hợp đi đến từng hộ kinh doanh hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, người dân hiểu rõ hơn và tham gia. “Việc cầm điện thoại quét mã thanh toán rất tiện lợi. Hình thức thanh toán này cần được phổ biến rộng rãi hơn thay cho sử dụng tiền mặt. Tôi rất ủng hộ và chuyển qua thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên hơn”, chị Uyên nói.

Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn đánh giá: “Tỉnh Đoàn đã thành lập đội hình tình nguyện Chuyển đổi số phối hợp cùng tổ chuyển đổi số ở địa bàn dân cư. Trong đó có các thành phần là tổ chức đoàn thể tạo niềm tin để người dân ủng hộ, thực hiện chủ trương. Chúng tôi sẽ bàn giao lại nội dung khảo sát nhu cầu cho ngân hàng có liên quan để đến tận nhà người dân cài đặt. Đoàn thanh niên sẽ là cầu nối với người thân, gia đình để tiếp tục tuyên truyền thực hiện chương trình”.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

Giai đoạn 2021-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu: hơn 75% người dân 15 tuổi trở lên sử dụng íT nhất 1 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Ngày 19/6, ngày hội “Không tiền mặt” do Tỉnh Đoàn tổ chức đã thu hút hơn 300 ĐVTN các trường ĐH, CĐ, THPT tham gia. Tại sự kiện này, Hội Sinh viên tỉnh và Ví điện tử Momo đã ký kết hợp tác thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2022, có ít nhất 25.000 HS, SV, công nhân viên, hộ kinh doanh mở tài khoản ví điện tử.

 

 

;
.