Bảo đảm an toàn cho tàu cá, ngư dân trong mùa mưa bão

Thứ Tư, 05/08/2020, 20:52 [GMT+7]
In bài này
.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 5.823 tàu cá với tổng công suất hoạt động gần 1,5 triệu CV. Trong số này, có gần 2.900 tàu cá đánh bắt xa bờ theo quy định của Luật Thủy sản. Chính vì vậy việc bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá ra khơi khai thác thủy sản trong mùa mưa bão rất cần được quan tâm.

Cán bộ Chi cục Thủy sản phát tờ rơi, tuyên truyền về an toàn trên biển cho ngư dân tại Cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Cán bộ Chi cục Thủy sản phát tờ rơi, tuyên truyền về an toàn trên biển cho ngư dân tại Cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ.

TRANG BỊ MÁY MÓC CẢNH BÁO

Huyện Đất Đỏ là một trong những địa phương có số lượng tàu, thuyền đánh bắt thủy sản lớn của tỉnh. Ông Trần Văn Dũng, Phó Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Toàn huyện có hơn 700 tàu cá, trong đó có 50% tàu cá hoạt động xa bờ với công suất từ 90CV trở lên. Để bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã phối hợp cùng các đơn vị như BQL Cảng cá, Biên phòng… tích cực thông tin, tuyên truyền tới ngư dân dưới các hình thức như thông báo trên các phương tiện thông tin, hệ thống loa đài phát thanh của địa phương.

Theo ông Thân Doanh Hoàng, ngư dân đã hơn 30 năm bám biển, chủ tàu công suất 250CV với 8 thuyền viên trên tàu hiện đang neo đậu tại Cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ, với ngư dân dù biển động hay êm, vẫn phải vươn khơi, nghề đi biển luôn phải sống chung với bão gió. Trước đây, vào mùa mưa bão, việc đi biển gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm bởi chưa có các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như bây giờ, không ít lần ông Hoàng gặp nguy hiểm tới tính mạng do bão lớn trên biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự hướng dẫn từ cơ quan chức năng, sự trang bị các phương tiện bảo đảm an toàn, tai nạn trên biển do mưa bão giảm hẳn. 

“Trước mỗi chuyến đi xa, để bảo đảm an toàn về người và phương tiện, chúng tôi được BQL Cảng kiểm tra đầy đủ các thiết bị bảo hộ, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu phải trong tình trạng hoạt động tốt. Trong quá trình hoạt động trên biển, ngư dân thường xuyên được thông báo về tình hình thời tiết, thông qua hệ thống phát thanh, thiết bị giám sát hành trình. Nhờ đó, chúng tôi chủ động liên hệ để thông báo về vị trí tàu và chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão”, ông Hoàng cho hay.

Giống như ông Hoàng, tàu của ông Nguyễn Thanh Hòa (TT. Long Hải, huyện Long Điền) có công suất 300CV, chuyên khai thác xa bờ. Ông Hòa cho biết, mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 15-20 ngày với khoảng 12 thuyền viên. Trung bình mỗi lần ra khơi khai thác được khoảng 10 tấn cá, sau khi trừ các chi phí ông thu về 50 triệu đồng. Để bảo đảm an toàn trong chuyến đi, ông đã trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị an toàn, cứu nạn, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá như phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chống va đập, chống chìm... nên ông khá yên tâm để bám biển và chủ động trong việc phòng tránh thiên tai. Các thiết bị cũng hỗ trợ để bạn tàu thường xuyên thông tin trao đổi qua lại, hỗ trợ lẫn nhau nếu có vấn đề xảy ra. 

KHÔNG TUÂN THỦ QUY ĐỊNH, KHÔNG ĐƯỢC RA KHƠI

Ông Nguyễn Bi, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy hải sản, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, vào những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến khá phức tạp, đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều cơn bão lớn. Do đó, Chi cục đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, kêu gọi tàu, thuyền, ngư dân tránh trú bão an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra. 

Chi cục cũng quyết liệt bắt buộc các chủ phương tiện phải lắp thiết bị như radio, bộ đàm, áo phao, phao cứu nạn… trên tàu. Trường hợp có bão to, thiết bị radio sẽ thông báo 30 phút/lần, bão xa 1 giờ/lần để ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai. 

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai có hiệu quả. Theo đó, tính đến tháng 7/2020 đã lắp đặt được 2.384 thiết bị/tổng 2.901 tàu cá bắt buộc gắn máy. 

Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm ngư, cảng cá thực hiện kiểm tra, kiểm soát tất cả các trang bị, phương tiện kỹ thuật trên các tàu cá trước khi ra khơi phải được bật, mở các thiết bị, phương tiện liên lạc. Tàu cá nào không tuân thủ theo quy định sẽ không được phép ra khơi. Đối với thiết bị giám sát hành trình, bắt buộc các tàu phải bật 24/24 và xử phạt nghiêm những trường hợp tàu cá không chấp hành quy định. “Các đơn vị cũng thường xuyên trao đổi thông tin trong các trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới nhằm nắm được số lượng và vùng hoạt động của tàu cá, tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển”, ông Nguyễn Bi cho biết thêm.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 khu neo đậu tránh trú bão cho ngư dân bao gồm: Cửa Lấp (huyện Long Điền), khu vực Sông Dinh (TP. Vũng Tàu) cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ), Bến Lội Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và huyện Côn Đảo.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.