.

Cung cấp ảnh chân dung cho nhà mạng như thế nào?

Cập nhật: 18:36, 09/04/2018 (GMT+7)

Từ ngày 24-4, nếu các chủ thuê bao điện thoại di động không bổ sung đầy đủ thông tin cá nhân (trong đó có việc cung cấp ảnh chân dung cho nhà mạng) sẽ có nguy cơ bị hủy số. Làm sao để bổ sung ảnh chân dung kịp thời cho nhà mạng mà không cần phải đến cửa hàng (?) - câu hỏi được rất nhiều khách hàng quan tâm. 

Có mặt tại cửa hàng Viettel (30K2, Trương Văn Bang, TP.Vũng Tàu) vào sáng 9-4, chúng tôi ghi nhận, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ có khoảng 20 khách hàng đến bổ sung thông tin thuê bao di động. Hầu hết, những chủ thuê bao này đều đã nhận được tin nhắn cảnh báo từ nhà mạng. Khách hàng Đào Thị Dung (SV Khoa Kinh tế Trường ĐH BR-VT) cho biết: Số điện thoại mà Dung đang dùng trước đây do anh trai đăng ký nên chưa có thông tin chính chủ. Ngày 2-4, Dung nhận được tin nhắn của Viettel đề nghị bổ sung thông tin, chụp ảnh chân dung nên đã đến cửa hàng để hoàn tất thủ tục.

Chị Trần Thị Kim Liên (bìa trái, 875/5 Bình Giã) đến cửa hàng Viettel (30K2 Trương Văn Bang, TP. Vũng Tàu) chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin thuê bao đi động.
Chị Trần Thị Kim Liên (bìa trái, 875/5 Bình Giã) đến cửa hàng Viettel (30K2 Trương Văn Bang, TP. Vũng Tàu) chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin thuê bao đi động.

Tính đến ngày 9-4, đã có 2 DN viễn thông là Viettel và VinaPhone thông báo đến chủ các thuê bao di động trên các trang web, mạng xã hội của 2 đơn vị này về việc triển khai việc cập nhật thông tin thuê bao theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Với các thuê bao đang thiếu thông tin chính chủ, các nhà mạng này đang lần lượt gửi tin nhắn thông báo tới từng số thuê bao. 

Về phương thức đăng ký thông tin, các nhà mạng đều tạo nhiều “kênh” cho khách hàng, bảo đảm nhanh gọn, tiện lợi. Đối với Viettel, việc hoàn thiện thông tin khách hàng có thể thực hiện tại các đại lý hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh qua 5 bước. Đầu tiên là tải ứng dụng My Viettel (Android và iOS) theo đường dẫn Viettel cung cấp trên tin nhắn. Tiếp đến, khởi động ứng dụng My Viettel, đăng nhập (hoặc đăng ký) bằng số điện thoại cần kiểm tra, chọn mục “Khác” trong giao diện chính, chọn thông tin khách hàng và click vào dòng thông báo “Quý khách bổ sung thông tin hồ sơ bấm vào đây”. Sau đó, bổ sung đầy đủ thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng. Cuối cùng là xác nhận “Tôi cam kết thông tin đã khai là đúng”, bổ sung chữ ký cá nhân và phần “ký xác nhận” và gửi thông tin thuê bao cho Viettel thẩm định. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, khách hàng không thể đăng ký thông tin theo các cách nói trên thì liên hệ để được Viettel hỗ trợ.

Về phía VinaPhone, bà Trần Thị Ngát, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT BR-VT cho biết, từ ngày 7-4 đến 20-4, các thuê bao VinaPhone thiếu thông tin sẽ nhận được tin nhắn mời bổ sung. Tuy nhiên, để chủ động, khách hàng có thể tra cứu thông tin thuê bao của mình bằng cách soạn tin TTTB gửi 1414 để tự kiểm tra thông tin cá nhân hoặc gọi tới số điện thoại đường dây nóng 18001091 để được hỗ trợ. Theo bà Ngát, nếu thông tin chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, khách hàng nên đến điểm giao dịch VinaPhone gần nhất để cập nhật lại; khi đi khách hàng cần mang theo CMND hoặc thẻ căn cước còn thời hạn sử dụng (15 năm kể từ ngày cấp). Nếu thông tin đã chính chủ, khách hàng có thể gửi ảnh chân dung bằng cách nhắn tin vào Fanpage VNPT- Vinaphone để VinaPhone đối chiếu, hoàn thiện thông tin. Bà Ngát cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu hoàn thiện thông tin của khách hàng, từ ngày 7-4, toàn bộ các điểm giao dịch VinaPhone trên địa bàn tỉnh sẽ được mở cửa đến 21 giờ hàng ngày (cả thứ Bảy và Chủ nhật).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT có gần 2 triệu thuê bao di động. Theo Sở TT-TT, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là biện pháp để khách hàng bảo vệ số thuê bao của mình, góp phần quản lý cơ sở dữ liệu chính xác và hạn chế sim rác.

Thời gian qua, sim rác bày bán tràn lan là do việc thực hiện không nghiêm túc của các điểm đăng ký thông tin thuê bao (mà chủ yếu là điểm đăng ký thông tin thuê bao ủy quyền của các cá nhân).

Cụ thể, nhiều điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nhỏ lẻ đã đăng ký nhiều thuê bao trên cùng một CMND và bán sim ra thị trường. Các đối tượng đã dễ dàng mua những số thuê bao này để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như an ninh thông tin, quốc phòng. Do vậy, việc quản lý thông tin di động bằng cách dựa vào CMND là chưa đủ.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.