.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

Cập nhật: 17:05, 24/05/2018 (GMT+7)

Để giải quyết bài toán ngân hàng (NH) thừa vốn, doanh nghiệp (DN) thiếu vốn, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp. Tuy nhiên, do vướng các rào cản về thủ tục, chính sách nên dù NH đang thừa vốn nhưng DN lại khó tiếp cận. 

NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DN

Ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh phát biểu tại hội nghị kết nối NH-DN, diễn ra ngày 23-5 tại chi nhánh NHNN tỉnh. 
Ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh phát biểu tại hội nghị kết nối NH-DN, diễn ra ngày 23-5 tại chi nhánh NHNN tỉnh. 

Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh BR-VT cho biết, từ ngày 10-7-2017, với sự chỉ đạo kịp thời của Thống đốc NHNN Việt Nam, các NH trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chi nhánh NH thương mại đã thực hiện việc giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; áp dụng chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.

Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp được triển khai từ năm 2014, tiếp tục được các chi nhánh NH thương mại thực hiện, thông qua việc ký và giải ngân các hợp đồng tín dụng mới, ký tăng hạn mức tín dụng cho DN để bổ sung vốn kinh doanh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn. Bên cạnh việc đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ khách hàng là DN, các NH còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin về các DN để hỗ trợ. Chẳng hạn, giữa tháng 3-2018, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức lễ ký hợp đồng liên kết với Ban Quản lý các KCN để được cung cấp thông tin chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về định hướng phát triển cho các nhà đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, qua đó hỗ trợ cho DN tại các KCN vay vốn và sử dụng các dịch vụ của HDBank.

NHƯNG VẪN CHƯA HIỆU QUẢ

Khách hàng giao dịch tại Sacombank Nguyễn An Ninh. 
Khách hàng giao dịch tại Sacombank Nguyễn An Ninh. 

Tại hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp do Chi nhánh NHNN tỉnh BR-VT tổ chức chiều 23-5, vấn đề được các DN quan tâm nhiều nhất là các NH cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay. Ông Trần Ngọc Trinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại tổng hợp tỉnh phản ánh,  hiện nay thủ tục cho vay của các NH còn rườm rà, việc thẩm định, phê duyệt khoản vay kéo dài, nhiều khi làm DN mất cơ hội đầu tư. Ông Trinh đề xuất NH nên chấp nhận giải ngân các khoản vay bằng việc thế chấp hợp đồng của DN, thay vì bắt buộc DN phải có tài sản bảo đảm. Vì trong quá trình hoạt động, để có vốn sản xuất, kinh doanh, hầu hết các DN đều đã phải thế chấp tài sản cho NH.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh nêu ý kiến: Hầu hết các DN khi làm ăn đều phải vay vốn NH, thậm chí là phải vay nguồn vốn lớn trong thời gian dài. Tuy nhiên, lãi suất NH không ổn định, thường thay đổi theo chiều hướng tăng, gây khó khăn cho DN. “Nên chăng, ngành NH có chính sách ổn định lãi suất cho DN trong một thời gian nhất định để DN chủ động nguồn tài chính”, ông Lạc kiến nghị.

Theo số liệu được Bộ KH-ĐT công bố đầu tháng 4-2018, chỉ có khoảng hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng NH. Số DNNVV còn lại phải chật vật xoay xở với nguồn vốn tự có hoặc vẫn phải vay từ các nguồn vốn khác với lãi suất cao, nhiều rủi ro. Tình trạng đó ảnh hưởng tới kế hoạch và cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh của nhóm DN này. Nhiều ý kiến DN cũng cho rằng, trong thời gian qua, các NH tung ra nhiều gói tín dụng dành cho DNNVV, nhưng tỷ lệ DN tiếp cận được gói này rất thấp.

Để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, DN rất cần nguồn vốn vay từ ngân hàng. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) gia công cáp thép tại xưởng. Ảnh: VÂN ANH
Để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, DN rất cần nguồn vốn vay từ ngân hàng. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) gia công cáp thép tại xưởng. Ảnh: VÂN ANH

Lý giải những kiến nghị của DN, đại diện các NH cho rằng, tài sản bảo đảm không phải là điều kiện hàng đầu để NH xét cho vay mà trước hết DN phải tạo được chữ tín, cho NH thấy được phương án quản trị kinh doanh của DN để bảo đảm an toàn đồng vốn cho vay của NH. Bên cạnh đó, DN phải trình được phương án tài chính minh bạch. Trong khi đa số DNNVV không có báo cáo kiểm toán, nên NH rất khó cho vay, bởi khi thẩm định hồ sơ vay vốn, NH không có số liệu minh bạch để kiểm tra.

Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN, Chi nhánh BR-VT cho biết: dư địa vốn của các NH trên địa bàn tỉnh còn rất lớn và các NH luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng các điều kiện vay. “Tuy nhiên, NH cũng là một DN, do đó khi vay vốn, DN phải chấp nhận sự giám sát của NH về dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quá trình tiêu thụ sản phẩm… Có như thế, NH mới bảo đảm được nguồn vốn cho DN”.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

Tính đến cuối tháng 4-2018, doanh số cho vay của Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 6.034 tỷ đồng, với 37 DN vay vốn, dư nợ 2.427 tỷ đồng, giảm 0,65% so với đầu năm 2018.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9.056 DN đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm tới 98,8%. Các DNNVV hoạt động đều khắp các lĩnh vực: thương mại, du lịch, công nghiệp, đóng góp 45% vào GDP của địa phương. Chính vì vậy, việc khơi thông được “điểm nghẽn” dòng vốn từ NH đến DNNVV sẽ là lực đẩy quan trọng cho các DNNNV phát triển. Hiệp hội DNNVV tỉnh đã khảo sát tình hình hoạt động của các DN và nhận thấy nhu cầu vay vốn của các DN rất lớn. Hiệp hội sẽ thường xuyên tổng hợp, nắm bắt nhu cầu, đánh giá khó khăn vướng mắc của DNNVV để trao đổi với các NH, đồng thời đề xuất, kiến nghị lên cấp trên những vướng mắc trong quá trình triển khai.

(Ông  Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh)

 

.
.
.