Cần quan tâm chất lượng bữa ăn ca của công nhân

Thứ Năm, 02/08/2018, 16:18 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 16-7 đến 2-8, Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh (gồm đại diện LĐLĐ tỉnh, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm….) đã tiến hành giám sát việc thực hiện bữa ăn ca và công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại bếp ăn tập thể ở 8 DN trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, bên cạnh một số DN có sự quan tâm, chú trọng đầu tư chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, vẫn còn nhiều DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

CHĂM CHÚT BỮA ĂN GIỮA CA

Người lao động Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu (TX.Phú Mỹ) ăn giữa ca.
Người lao động Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu (TX.Phú Mỹ) ăn giữa ca.

Khảo sát tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH CS Wind Việt Nam, Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu (TX.Phú Mỹ) cho thấy, DN đã quan tâm tới việc tổ chức bếp ăn tập thể và chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Mỗi suất ăn ca của NLĐ trị giá 20-30 ngàn đồng. Để bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe lâu dài cho NLĐ, các DN không chỉ chú trọng kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, mà còn đầu tư xây dựng nhà ăn rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ giúp NLĐ có bữa ăn ngon. Hàng tháng, DN đều tổ chức đối thoại, lấy ý kiến NLĐ về chất lượng bữa ăn ca để phối hợp với đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh phù hợp, hài hòa với khẩu vị NLĐ.

Tại Công ty TNHH CS Wind Việt Nam, khu nhà ăn được xây dựng khang trang trên diện tích 600m2, ngăn cách riêng biệt với bếp. Toàn bộ khu vực bếp được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều. Việc nấu nướng được công ty giao cho một đơn vị bên ngoài thực hiện, với giá 30 ngàn đồng/suất (không tính chi phí điện, nước). Nhằm bảo đảm VSATTP, công ty kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng thực phẩm đầu vào. Anh Đàm Quang Hoàn, NLĐ Công ty TNHH CS Wind Việt Nam cho biết, thực đơn bữa ăn khá đa dạng, phong phú, đủ các món mặn, canh, rau và trái cây tráng miệng được chế biến hợp khẩu vị của NLĐ. Bên cạnh đó, công ty còn phát phiếu đánh giá chất lượng bữa ăn để NLĐ cho ý kiến. Hàng tháng, nếu số phiếu không đạt 50% thì công ty sẽ cắt hợp đồng với nhà cung cấp.

Tương tự, Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu cũng tổ chức bữa ăn ca khá tốt cho NLĐ, với mỗi suất ăn trị giá 20 ngàn đồng. DN này đã tự tổ chức bếp ăn tập thể, không thuê đơn vị cung cấp suất ăn để bảo đảm chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Khu nhà ăn của DN được thiết kế thoáng mát, sạch sẽ và bếp ăn được thiết kế theo quy trình 1 chiều. Tại bếp ăn của công ty, các khay thức ăn của NLĐ được đặt trong tủ hấp nóng. Các món ăn được lưu mẫu để kiểm tra, xét nghiệm khi cần thiết.

VẪN TỒN TẠI NHIỀU NGUY CƠ

Đoàn Giám sát liên ngành tỉnh giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động Công ty TNHH Công nghiệp Gốm Bạch Mã  (KCN Mỹ Xuân A, TX.Phú Mỹ). Ảnh: ĐÔNG TRÚC
Đoàn Giám sát liên ngành tỉnh giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động Công ty TNHH Công nghiệp Gốm Bạch Mã (KCN Mỹ Xuân A, TX.Phú Mỹ). 

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, vẫn còn một số DN chưa thực sự quan tâm đến bữa ăn ca của NLĐ. Cụ thể, DN chưa bố trí bếp theo nguyên tắc 1 chiều; việc lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định; không xây dựng phương án xử lý sự cố ngộ độc thực phẩm; khu vực rửa, sơ chế thực phẩm còn ứ đọng nước, ẩm ướt... Công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn thương lượng hoặc đối thoại trực tiếp với ban lãnh đạo công ty để đưa nội dung bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể.

Qua giám sát tại bếp ăn của Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ) cho thấy, bếp ăn không bảo đảm vệ sinh, gạch lát sàn bị vỡ gây ứ đọng nước nhưng không được nâng cấp, sửa chữa. Tại khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm, dầu mỡ bám đầy các vật dụng nhưng không được vệ sinh thường xuyên. Trước tồn tại này, Đoàn giám sát yêu cầu công ty sớm cải tạo, nâng cấp nền khu vực rửa và khu vực nấu ăn, thường xuyên vệ sinh khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm để bảo đảm khô, thoáng, không ứ đọng nước. Đồng thời, đề nghị công ty đưa nội dung bữa ăn ca vào các cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Còn tại Công ty TNHH MTV An Thành (TX. Phú Mỹ), toàn bộ suất ăn của NLĐ do đơn vị bên ngoài nấu sẵn rồi vận chuyển vào nhà ăn của công ty. Các suất ăn được vận chuyển bằng xe thùng không chuyên dụng nên khi vào tới công ty đã nguội lạnh. Hàng ngày, công ty có kiểm tra suất ăn trước khi cấp phát cho NLĐ nhưng không có biên bản ghi nhận hoặc nhật ký kiểm tra. Nội dung kiểm tra chất lượng VSATTP bữa ăn chưa thể hiện bằng văn bản. Đoàn giám sát kiến nghị công ty xem xét bố trí bếp nấu ăn ngay tại công ty nhằm bảo đảm các yêu cầu về VSATTP.

Không chỉ chưa bảo đảm VSATTP, giá trị mỗi suất ăn ca dành cho NLĐ cũng khá thấp. Tại Công ty TNHH HS Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu), Công ty TNHH An Thành, Công ty TNHH ChangChun Vina (huyện Long Điền), mỗi suất ăn ca của NLĐ chỉ trên dưới 13 ngàn đồng. Trong khi đó, tại Nghị quyết số 07c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ” nêu rõ: “Từ năm 2016, Công đoàn cơ sở trong khu vực DN và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15 ngàn đồng, khuyến khích các DN nâng mức bữa ăn ca cao hơn”.

Ông Dương Hiển Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH An Thành cho biết, trước đây, công ty có hơn 1.000 lao động nhưng nay chỉ còn 400 người do thu hẹp quy mô sản xuất. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên công ty chỉ có thể chi mỗi suất ăn ca 13.200 đồng. Chị Vũ Thị Vinh, công nhân Công ty TNHH An Thành nói: “Mỗi suất ăn của chúng tôi chỉ 13.200 đồng, trong khi giá thực phẩm ngày càng cao nên chưa bảo đảm dinh dưỡng. Mong muốn của chúng tôi là bữa ăn giữa ca được cải thiện cả chất và lượng. Tôi nghĩ, bữa ăn có bảo đảm, an toàn thì NLĐ chúng tôi mới có đủ sức khỏe để làm việc tốt được”.

Tương tự, Công ty TNHH HS Vũng Tàu cũng chỉ chi mỗi suất ăn ca 12 ngàn đồng. Hiện Công ty TNHH HS Vũng Tàu có 2.042 lao động, trong đó 1.923 lao động làm việc nặng nhọc, độc hại. Công đoàn công ty đã nhiều lần kiến nghị nâng giá trị bữa ăn lên 15 ngàn đồng nhưng chưa được lãnh đạo công ty chấp thuận.

Từ thực tế nêu trên, Đoàn giám sát liên ngành đã đề nghị các DN sớm khắc phục những tồn tại và thực hiện nghiêm quy định về VSATTP đối với bếp ăn tập thể; bổ sung nội dung bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể; cải tạo, nâng cấp khu vực sơ chế thực phẩm; bếp ăn dành cho NLĐ phải thực hiện quy trình chế biến thực phẩm theo nguyên tắc 1 chiều; phải lưu mẫu thức ăn hàng ngày; xây dựng phương án xử lý sự cố ngộ độc tập thể.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ” là nghị quyết mang tính lịch sử của tổ chức Công đoàn khi lần đầu tiên có một nghị quyết đi vào vấn đề rất cụ thể - đó là bữa ăn của NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã triển khai nghị quyết này đến tất cả Công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 344/526 DN có CĐCS thực hiện bữa ăn giữa ca, trong đó 317 DN có giá trị bữa ăn ca từ 15 ngàn đồng/suất trở lên, 17 DN có giá trị bữa ăn dưới 15 ngàn đồng/suất, 135 DN đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. Qua giám sát cho thấy, đã có một số DN thực hiện khá tốt nghị quyết nêu trên, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những DN chưa thực hiện tốt.

Để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, các Công đoàn cơ sở cần tiếp tục phối hợp với bộ phận có trách nhiệm để giám sát, kiểm tra và đánh giá chất lượng bữa ăn ca. Từ đó, đề xuất chủ DN các giải pháp để chăm lo bữa ăn giữa ca cho NLĐ tốt hơn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất và  đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về VSATTP.

(Ông Nguyễn Châu Trinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát liên ngành)

 

;
.