Ngành Hải quan: Khó thu hồi nợ đọng thuế phát sinh trước 1-7-2013

Thứ Hai, 13/08/2018, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Theo báo cáo của Cục Hải quan, trong tổng số 206,4 tỷ đồng tiền nợ thuế của ngành hải quan hiện nay có tới 136,3 tỷ đồng nợ thuế được phân vào diện nợ khó thu, chiếm tỷ lệ 60,2%.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cái Mép.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cái Mép.

Hầu hết, những DN nợ thuế này đã không còn hoạt động và đã bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh. Những khoản nợ này đều phát sinh trước 1-7-2013, thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Từ sau 1-7-2013, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, DN phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng, nên gần như không phát sinh nợ thuế đối với hàng nhập khẩu.

Đơn cử như, trường hợp phát sinh nợ thuế của Công ty TNHH đầu tư thương mại Hà Hưng (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), hiện còn nợ số tiền thuế hơn 3 tỷ đồng. Theo đó, các cơ quan Hải quan đã kiểm tra và truy thu khoản tiền thuế nói trên. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan cử người tới địa chỉ sản xuất của DN để kiểm tra thì DN không còn hoạt động. Tương tự, DN TN Sản xuất - Thương mại Liên Thành (quận 6, TP.Hồ Chí Minh), còn nợ số tiền thuế hơn 1,1 tỷ đồng. Khi cơ quan hải quan tới kiểm tra thì DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Đó là 2 ví dụ điển hình trong hàng trăm trường hợp DN nợ thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh mà cơ quan hải quan đang phải quản lý. Dẫn tới ngành hải quan phải “ôm” khoản nợ khó đòi từ năm nay qua năm khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế như, do cơ chế chính sách cũ cho phép DN được ân hạn thuế, dẫn đến một số DN phát sinh các khoản nợ, rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, khiến cơ quan chức năng không truy tìm được; hoặc DN tự giải thể để thành lập DN mới, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có một số DN vẫn đang hoạt động, nhưng khả năng trả nợ vô cùng khó khăn, bởi tài sản của DN đã mang đi thế chấp, cầm cố hoặc thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh… Trong khi đó, cơ quan Hải quan không có quyền giám sát tài sản DN nên rất khó xử lý nợ và thu hồi thuế nợ đọng.

Với quyết tâm thu hồi các khoản nợ thuế góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, Cục Hải quan tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Phòng nghiệp vụ triển khai thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ. Trong đó tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các biện pháp cưỡng chế, như: Trích tiền từ tài khoản của DN mở tại các ngân hàng, cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK, thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng, đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Đồng thời, thực hiện khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật, thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị mới chỉ “đòi nợ” được hơn 2,1 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Để công tác thu hồi nợ đọng thuế những tháng còn lại năm 2018 đạt kết quả, theo ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, đơn vị tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với Cục Thuế để nắm thông tin các DN được hoàn thuế nội địa từ đó có biện pháp thu hồi theo quy định; Phối hợp với Sở KH&ĐT, một số địa phương để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN nợ thuế cưỡng chế; Xác minh tiền gửi của các DN nợ thuế chây ỳ tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; Rà soát, phân tích, phân loại đối với các DN nợ thuế thuộc đối tượng mất tích, bỏ trốn, ngừng hoạt động, nhằm hoàn chỉnh các biện pháp cưỡng chế theo quy định để báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét xóa nợ, tập trung vào các DN phát sinh nợ thuế trên 10 năm, giải thể, phá sản.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.