Tăng mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công

Thứ Hai, 13/08/2018, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của Sở Công thương, từ trước đến nay, mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các DN. Thông tư số 28/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11-5-2018 đã khắc phục được hạn chế này, nâng mức hỗ trợ để phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công trong thời gian tới.

Trước đây, theo quy định của Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT của liên Bộ Tài chính và Bộ Công thương, hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/đề án. Trường hợp hỗ trợ dây chuyền công nghệ thì mức hỗ trợ tối đa không quá 450 triệu đồng/cơ sở có dự án đầu tư từ 4 tỷ đồng trở lên. Mức hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm Công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp khu vực 100 triệu đồng/lần; cấp quốc gia 200 triệu đồng/lần.

Mức hỗ trợ của các chương trình, đề án khuyến công thấp, dẫn đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của DN. Điều này đã tạo ra thực tế một số DN, cơ sở CNNT không mấy “mặn mà” với việc tiếp cận nguồn vốn khuyến công. Ngoài ra, chương trình khuyến công hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất chỉ dành cho các đối tượng là các cơ sở CNNT đã và đang đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, còn các đề án hỗ trợ DN mới có kế hoạch đầu tư thường rất khó triển khai, do năng lực sản xuất kinh doanh của DN mới còn hạn chế.

Ông Nguyễn Quyết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH TM Quang Thịnh (TX. Phú Mỹ) cho biết, năm 2017,  Công ty đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua máy uốn thép hình (máy uốn thép thủy lực) có xuất xứ từ Italia. Công ty được chương trình khuyến công Quốc gia hỗ trợ 195 triệu đồng. “Việc ứng dụng thiết bị tiên tiến giúp DN áp dụng được tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất phụ kiện bằng kim loại, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, phục vụ cho công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí. Tuy nhiên, với kinh phí đầu tư triển khai một đề án tiền tỷ thì mức hỗ trợ này chỉ mang tính chất động viên chứ chưa đủ lực để khuyến khích các DN nhỏ mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất”, ông Tiến nói.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động khuyến công, cuối tháng 3-2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2018/TT-BTC về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công. Theo đó, nhiều hoạt động khuyến công sẽ được tăng mức hỗ trợ. Cụ thể, mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ tăng lên 300 triệu đồng/đề án. Mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới tăng từ 500 triệu đồng/mô hình lên 1 tỷ đồng/mô hình. Trường hợp hỗ trợ dây chuyền công nghệ thì mức hỗ trợ tối đa không quá 450 triệu đồng/cơ sở; Mức chi tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực tăng từ 100 triệu đồng/lần lên 200 triệu đồng/lần, đối với cấp quốc gia tăng từ 200 triệu đồng lần lên 400 triệu đồng/lần. Đồng thời, bổ sung mức hỗ trợ cho mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình.

Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, với những điểm mới trong việc nâng mức hỗ trợ theo Thông tư số 28/2018/TT-BTC giúp các DN, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp; từ chỗ sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu tới ứng dụng công nghệ hiện đại đồng bộ; từ chỗ sản phẩm chất lượng không đồng đều, năng suất thấp tới năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, do các chương trình được xây dựng từ đầu năm, nên bắt đầu từ năm 2019, các DN, cơ sở CNNT mới bắt đầu được hỗ trợ theo quy định mới.

Thống kê của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 DN, cơ sở CNNT. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã phê duyệt kinh phí khuyến công cho 166 DN, chủ yếu tập trung các lĩnh vực cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc để đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 35 tỷ đồng. Các đề án thực hiện sau khi được đầu tư hoạt động tương đối hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động thủ công, hạn chế ô nhiễm môi trường.

AN NHẬT

;
.