Tạo điều kiện tối đa phát triển kinh tế tư nhân

Thứ Ba, 07/08/2018, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 8-7, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Tỉnh ủy BR-VT về việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Đoàn.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Tỉnh ủy BR-VT về việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Tỉnh ủy BR-VT về việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

KINH TẾ TƯ NHÂN KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TRONG NỀN KINH TẾ

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nội dung tập trung vào 3 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết là: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; Cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả DN Nhà nước.

Theo báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ, trong những năm qua kinh tế tư nhân (KTTN) của BR-VT không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 13 ngàn DN, với tổng vốn đăng ký hơn 101 ngàn tỷ đồng. Năm 2017, khu vực KTTN đã đóng góp khoảng 30% GRDP của tỉnh (trừ dầu khí); Nộp ngân sách qua các khoản thuế 3.200 tỷ đồng. KTTN cũng là khu vực chủ yếu tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh, thu nhập bình quân của lao động làm việc trong các DN thuộc khu vực KTTN đạt 6,4 triệu đồng/tháng.  

Tuy nhiên, KTTN có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với thành phần kinh tế khác. Đáng chú ý là số dự án do các DN thuộc khu vực KTTN làm chủ đầu tư chậm triển khai còn nhiều, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với tổng vốn đăng ký của các dự án còn thấp; vẫn còn tình trạng đăng ký đầu tư dự án để giữ đất, nhưng không triển khai, khi bị xử lý thu hồi thì khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong KTTN còn khá phổ biến, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm, không bảo đảm ATVSTP, gian lận thương mại còn nhiều… 

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.  Trong ảnh: Công nhân Nhà máy dầu ăn Tường An (KCN Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) đóng chai dầu ăn - sản phẩm của Công ty CP Dầu thực vật Tường An. Ảnh: QUANG VŨ
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.
Trong ảnh: Công nhân Nhà máy dầu ăn Tường An (KCN Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) đóng chai dầu ăn - sản phẩm của Công ty CP Dầu thực vật Tường An. Ảnh: QUANG VŨ

Về cơ cấu, đổi mới DN Nhà nước, báo cáo nêu rõ: Tổng số DN Nhà nước thuộc tỉnh đã tiến hành sắp xếp từ năm 1999 đến nay là 53 DN Nhà nước và 9 đơn vị phụ thuộc, trong đó cổ phần hóa 38 DN và 9 đơn vị phụ thuộc, giải thể 7 DN, chuyển về Bộ Xây dựng 1 DN, chuyển đổi sang đơn vị sự nghiệp 2 DN và thành lập mới 2 DN. Hiện tỉnh đang quản lý 22 DN có vốn Nhà nước, trong đó, có 3 DN 100% vốn Nhà nước, 19 DN là Công ty CP có vốn Nhà nước. Về thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, theo kế hoạch tỉnh BR-VT thoái vốn tại 14 DN, hiện đang thực hiện thoái vốn tại 7 DN. Kế hoạch thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu, đổi mới DNNN một cách có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc chuyển đổi: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên; hoàn thành công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển Đô thị; thoái vốn 7 DN Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với phát triển KTTN, tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, sắp xếp đổi mới hệ thống bộ máy cơ quan hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính.

Hệ thống làm lạnh lúa mạch tại Nhà máy sản xuất mạch nha Intermalt tại KCN Cái Mép.
Hệ thống làm lạnh lúa mạch tại Nhà máy sản xuất mạch nha Intermalt tại KCN Cái Mép.

ĐẨY MẠNH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

Báo cáo thêm về cải cách thủ tục hành chính cho DN và thu hút DN FDI, đồng chí Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thời gian qua, nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với phát triển KTTN, tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, sắp xếp đổi mới hệ thống bộ máy cơ quan hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Kết quả, các đơn vị, địa phương đã rút ngắn thời gian giải quyết cho hơn 30% số thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết; đẩy mạnh triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để nhân dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả mọi nơi qua mạng Internet.

Về thu hút đầu tư các DN FDI, đến nay, toàn tỉnh có 360 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 28 tỷ USD. Để cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các DN, có các chính sách hỗ trợ DN về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, lao động…

Đề cập đến các giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Tỉnh sẽ tiếp tục các chính sách về cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển DN; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; đẩy nhanh thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Phát biểu biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả mà tỉnh BR-VT đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Và mong muốn tỉnh BR-VT tiếp tục phấn đấu để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, là cực tăng trưởng của quốc gia.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN, QUANG VŨ

;
.