Biến chất thải thành sản phẩm, vật liệu hữu ích

Thứ Sáu, 07/09/2018, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Tại BR-VT, những năm gần đây, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư công nghệ để tái chế chất thải  thành những sản phẩm, vật liệu hữu ích phục vụ cho các ngành nghề khác, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường để tái chế chất thải đã trở thành một ngành công nghiệp được khuyến khích phát triển tại địa phương.

KHI CHẤT THẢI THÀNH VẬT LIỆU XANH

Tháng 3-2017, dự án “Nhà máy sản xuất phụ gia xi măng, bột từ và vật liệu xây dựng từ tái chế xỉ thép” của Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ (đường 2A, KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) được Bộ TN-MT cấp phép và chính thức đi vào hoạt động với công suất 1.946 tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ cho biết, BR-VT hiện có 6 nhà máy sản xuất thép, với công xuất thiết kế trên 4 triệu tấn/năm. Để sản xuất 1 tấn thép thành phẩm, sẽ thải ra 12% xỉ và nhiều loại chất thải khác. Như vậy, mỗi năm, các nhà máy thép tại BR-VT sẽ thải ra khoảng 1 triệu tấn tấn xỉ thép. Nếu không được xử lý kịp thời, lượng chất thải từ ngành luyện thép sẽ tạo áp lực lớn về môi trường cho BR-VT. Từ thực tế này, Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, mua sắm dây chuyền công nghệ xử lý xỉ thép và nguồn thải khác của công nghiệp luyện thép.

 Công ty CP Thành Đại - Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) tái chế xỉ thép thành phụ gia xi măng.
Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) tái chế xỉ thép thành phụ gia xi măng.

Hiện mỗi ngày, Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ thu gom hơn 1.000 tấn xỉ thép phát sinh trên địa bàn về nhà máy xử lý qua các bước: phân loại, bóc tách, nghiền tuyển. Toàn bộ quy trình xử lý này áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 14001: 2010/ISO 14001: 2004/Cor.1:2009 và ISO 9001: 2008. Hơn 85% sản phẩm sau xử lý là phụ gia xi măng, cung cấp cho hàng chục nhà máy xi măng trên cả nước như: xi măng Công Thanh, xi măng Thăng Long, xi măng Cần Thơ. Khoảng 12% sản phẩm dùng làm vật liệu xây dựng, thay thế đá tự nhiên. Tỉ lệ sản phẩm còn lại được dùng làm nguyên liệu cho các ngành nghề khác, trong đó có cả ngành luyện thép.

Còn tại Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ), đầu năm 2017, công ty đã được tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng để thực hiện đề án sử dụng xỉ than vào sản xuất gạch tuynel. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân cho biết, trước đây, xỉ than là một loại chất thải công nghiệp phát sinh từ các nhà máy điện, không được tái sử dụng. Các đơn vị có phát sinh chất thải này thường phải thuê đơn vị thu gom, xử lý. Từ khi Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân sử dụng xỉ than vào sản xuất gạch tuynel đã góp phần giúp nhà máy điện giải quyết bài toán xử lý chất thải. Ngoài ra, đề án này còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm gạch tuynel Mỹ Xuân. Hiện nay, với dây chuyền thiết bị hiện đại của Đức - Ý và hệ thống lò nung tuynel, công ty sản xuất khoảng 65 triệu viên gạch/năm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, phục vụ thị trường xây dựng khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.

Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) được tỉnh BR-VT hỗ trợ 500 triệu đồng để thực hiện đề án tái chế xỉ than đưa vào sản xuất gạch tuynel. Ảnh: QUANG VŨ
Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) được tỉnh BR-VT hỗ trợ 500 triệu đồng để thực hiện đề án tái chế xỉ than đưa vào sản xuất gạch tuynel.

Nằm trong khu xử lý chất thải 100ha xã Tóc Tiên, Công ty CP tái tạo năng lượng DVA đã đầu tư dây chuyền, công nghệ nhiệt phân cao su phế thải để thu hồi dầu đốt lò FO-R. Công ty đã ứng dụng công nghệ nhiệt phân để tái chế lốp xe đã qua sử dụng thành những sản phẩm có giá trị cao như: Dầu đốt lò, than Carbon và dây thép được tách từ lốp xe. Hiện mỗi tháng, công ty xử lý khoảng 2.400 tấn cao su thải để cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tấn dầu đốt FO-R và 1.000 tấn Carbon đen.

KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TÁI CHẾ

Theo thống kê của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 DN tái chế chất thải thành sản phẩm, nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp như: Công ty TNHH Hà Lộc, Công ty TNHH MTV giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam… Các DN này đã đầu tư nhà máy, công nghệ để tái chế chất thải thành năng lượng và vật liệu cung cấp cho các lò đốt công nghiệp, nhà máy điện, thép, xi măng… Ngoài ra, chất thải sau khi tái chế còn trở thành những sản phẩm hữu ích như: giấy công nghiệp, phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng. 

Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) tái chế chất thải hầm cầu thành phân bón hữu cơ.
Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) tái chế chất thải hầm cầu thành phân bón hữu cơ.

Ngoài hàng chục nhà máy tái chế chất thải đã đi vào hoạt động, mới đây, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ), Công ty CP Zinc Oxide Việt Nam (ZOCV) đã khởi công dự án Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide. Đây là dự án hợp tác giữa Công ty Korea Zinc của Hàn Quốc và Công ty Zincox của Anh. Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide có công năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm, được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, công suất thiết kế 100.000 tấn bụi lò thép (EAFD)/năm. Dự kiến, tháng 6-2019, Nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

Sở TN-MT cho biết, tái chế là nội dung trọng tâm và không thể tách rời trong chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển các DN tái chế lớn, dịch chuyển dần các cơ sở quy mô nhỏ theo hướng chính quy hóa. Tỉnh tạo thuận lợi cho các DN đầu tư công nghệ hiện đại trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tỉnh ưu tiên các dự án tái chế chất thải. Theo đó, Khu xử lý chất thải tập trung 130ha tại xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ) sẽ tập trung xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, tái chế phế thải, phế liệu và chôn lấp các chất thải không thể xử lý bằng công nghệ khác. Khu xử lý Láng Dài (huyện Đất Đỏ) diện tích 20ha sẽ xử lý rác sinh hoạt cho TP.Vũng Tàu, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ bằng giải pháp tái chế, sử dụng công nghệ tái đốt kết hợp thu hồi năng lượng và xử lý khí thải. Khu xử lý Phước Hòa (TX.Phú Mỹ) diện tích 14,7ha sẽ xử lý rác sinh hoạt cho TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ và huyện Châu Đức bằng công nghệ tái chế rác thải thành phân hữu cơ.

 

;
.