Kênh dẫn nước từ hồ Sông Ray về huyện Châu Đức bị xâm hại

Thứ Tư, 19/09/2018, 17:20 [GMT+7]
In bài này
.

Kênh chính dẫn nước từ hồ Sông Ray về huyện Châu Đức – vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đoạn thành kênh đã bị đục phá, xâm hại, gây thất thoát nguồn nước và về lâu dài có thể gây xói mòn, hư hỏng kết cấu công trình.

GIỮ VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Nước từ kênh theo các lỗ mà người dân đục khoét trên thành kênh chảy tràn ra khu vực thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc  (huyện Châu Đức).
Nước từ kênh theo các lỗ mà người dân đục khoét trên thành kênh chảy tràn ra khu vực thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).

Công trình kênh chính dẫn nước từ hồ Sông Ray về huyện Châu Đức dài 31km, thành kênh được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, đi qua địa bàn các xã: Sơn Bình, Suối Rao, Đá Bạc, Nghĩa Thành, Suối Nghệ và đến hồ Đá Đen. Công trình có khả năng cung cấp nước sinh hoạt 535.000m3/ngày đêm và nước tưới cho hàng ngàn ha cây trồng trên địa bàn.

Năm 2015, kênh chính dẫn nước từ hồ Sông Ray về huyện Châu Đức được đưa vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ông Dương Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, kênh đi qua xã đã giúp bà con chủ động trong việc tưới tiêu, thay vì chỉ sản xuất 1 vụ lúa như trước, giờ đây bà con trồng 3 vụ lúa/năm, đời sống kinh tế ngày càng phát triển.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Quý, Chủ tịch UBND xã Đá Bạc cho biết, xã có 265ha trồng lúa, tiêu, điều. Khi chưa có kênh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, thu nhập của người dân dưới 20 triệu đồng/ha/năm (năm 2015). Từ khi có kênh chính dẫn nước hồ Sông Ray đi qua, hiệu quả trồng trọt tốt hơn, thu nhập của bà con tăng lên 31 triệu đồng/ha/năm (năm 2017).

Theo ông Phạm Tiến Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Rao, trên địa bàn xã có khoảng 2.000ha cây trồng các loại nên nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp rất lớn. Do vậy, việc tuyến kênh dẫn nước từ hồ Sông Ray chạy qua địa bàn xã đã tạo thuận lợi cho người dân trong trồng trọt.

NHIỀU ĐOẠN KÊNH BỊ XÂM HẠI

Một vị trí thành kênh, đoạn qua thôn Tân Bình, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) bị người dân đục khoét.
Một vị trí thành kênh, đoạn qua thôn Tân Bình, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) bị người dân đục khoét.

Một ngày giữa tháng 9-2018, theo chân anh Nguyễn Văn Trường, công chức địa chính xã Đá Bạc (huyện Châu Đức), chúng tôi đi khảo sát tuyến kênh dẫn nước từ hồ Sông Ray về xã. Tại đoạn kênh đi qua tổ 3, thôn Bàu Điển, chúng tôi ghi nhận, thành kênh bị đục 1 lỗ khá lớn (đường kính 90-100cm)  khiến nước chảy tràn vào thôn Bàu Điển, vừa gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, vừa khiến ruộng lúa của các hộ dân ở khu vực trũng bị ngập úng.

Tại xã Sơn Bình, tình trạng xâm hại kênh dẫn nước từ hồ Sông Ray về cũng diễn ra khá phổ biến. Khảo sát tuyến kênh dài khoảng 1km đi qua thôn Tân Bình, chúng tôi ghi nhận, người dân đã tự ý đục khoét 9 lỗ (đường kính 40-60cm) trên thành kênh, làm nước chảy từ kênh ra đường. Ông Trần Văn Lợi (ngụ tại thôn Tân Bình) phỏng đoán, có thể một số hộ dân canh tác gần kênh đã tự đục thành kênh để lấy nước vào vườn tiêu nhà mình. Tuy nhiên, gần đây, giá hồ tiêu xuống thấp, người trồng tiêu bỏ bê không chăm sóc cây, dẫn đến các lỗ dẫn nước này cũng bị bỏ quên, không được bịt lại.

Bên cạnh đó, trên mặt kênh dẫn nước đi qua địa bàn xã Suối Rao có xây những cái hố để kiểm tra mực nước (kích thước 1mx1m, phía trên có nắp đậy). Để lấy nước tưới vườn, người dân đã cạy nắp những hố này để thả ống xuống hút nước lên. Trong khi đó, lòng kênh sâu hơn 8m, mực nước khoảng 4m, dòng chảy rất mạnh, nếu trẻ em lỡ sảy chân rơi xuống hố thì nguy cơ bị đuối nước rất cao. Theo khảo sát của chúng tôi, có 5 hố kiểm tra mực nước trên địa bàn 2 xã Sơn Bình và Suối Rao đã bị mất nắp đậy.

TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ KÊNH

Cán bộ xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) kiểm tra một vị trí thành kênh bị người dân đục khoét. Ảnh: HÙNG MINH
Cán bộ xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) kiểm tra một vị trí thành kênh bị đục khoét.

Có thể nhận thấy, kênh chính dẫn nước từ hồ Sông Ray về huyện Châu Đức có vai trò rất quan trọng. Để bảo vệ tuyến kênh, năm 2017, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã tổ chức 11 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi, đê điều cho 550 người dân trên địa bàn các huyện. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại kênh vẫn diễn ra ở một số địa phương. Nguyên nhân là do ý thức bảo vệ kênh của một bộ phận người dân chưa cao, đồng thời việc phát hiện, xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn.

“Tình trạng người dân tự ý đục khoét thành kênh để bơm nước đã gây ngập úng, thất thoát nước. Đồng thời, về lâu về dài, việc này sẽ làm xói lở, hư hại công trình. Do đó, sau khi có kết quả báo cáo kiểm tra thực trạng của Trạm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi huyện Châu Đức, Chi cục Thủy lợi tỉnh sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT và Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời xử lý, khắc phục ngay tình trạng trên, nhằm khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn”, ông Trần Văn Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: HÙNG MINH

Điều 4, Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ quy định: Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều là 100 triệu đồng.

 

;
.