Công tác pháp chế chưa đáp ứng yêu cầu

Chủ Nhật, 07/10/2018, 16:33 [GMT+7]
In bài này
.

Còn công tác pháp chế là hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện một hoặc nhiều công việc cụ thể nhằm thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống và có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các sở, ngành, các DN. Tuy nhiên tại BR-VT, đội ngũ làm công tác pháp chế vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong việc tham mưu, tư vấn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại cơ quan, đơn vị.

THIẾU CÁN BỘ PHÁP CHẾ

Cán bộ phụ trách công tác pháp chế của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết BR-VT nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tham mưu cho DN.
Cán bộ phụ trách công tác pháp chế của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết BR-VT nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tham mưu cho DN.

Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế”, từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã ký ban hành các quyết định thành lập phòng pháp chế tại 8 sở: Công Thương, Nội vụ, Xây dựng, GT-VT, TN-MT, VHTT-DL, KH-CN, TT-TT. Tuy nhiên, chỉ có Sở GT-VT, Sở TN-MT bố trí được nhân sự và thành lập phòng pháp chế với biên chế 2 người gồm 1 trưởng phòng và 1 chuyên viên. Nhưng hiện nay, tất cả 15 sở của tỉnh đều không có phòng pháp chế theo quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

Theo ông Hồ Văn Hùng, sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác pháp chế tại địa phương, cũng như việc kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh. Thế nhưng, do  các sở không bố trí, sắp xếp được nhân sự để tổ chức thành phòng pháp chế, nên nhiều cơ quan vẫn không thành lập được tổ chức pháp chế tại đơn vị. Vì vậy, hiện số lượng công chức làm công tác pháp chế tại các 15 sở thuộc UBND tỉnh chỉ có 23 người. Trong số này chỉ có 7 người là có trình độ đại học luật, đạt tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế, còn lại là có trình độ đại học chuyên ngành khác.

Tính ổn định của công tác pháp chế không cao, do các công chức được giao nhiệm vụ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm thường xuyên có sự thay đổi (được luân chuyển vị trí việc làm, chuyển công tác …). Đơn cử như tại Sở GT-VT, mặc dù không còn phòng pháp chế nhưng vẫn duy trì 1 công chức pháp chế chuyên trách. Ông Lâm Đại Triều, Phó Chánh Văn phòng Sở GT-VT cho biết, những năm trước cơ quan có thành lập phòng pháp chế. Tuy nhiên sau này thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và chỉ đạo của tỉnh, Sở GT-VT đã sắp xếp, sát nhập lại một số phòng ban, do đó không còn phòng pháp chế. Nhưng hiện vẫn còn cán bộ phụ trách công tác pháp chế. Nhiệm vụ chính của người này là triển khai thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản chưa đúng thể thức, nội dung, ngôn từ phù hợp quy định pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính… Qua đó, bảo đảm cho công tác xây dựng, phổ biến, theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Sở GT-VT đúng quy định.

Công tác pháp chế tại các DN Nhà nước cũng không có gì khả quan hơn. Hiện chỉ có Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết BR-VT có 1 cán bộ pháp chế trình độ đại học luật,  Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị có 3 cán bộ pháp chế, trong đó 2 người trình độ đại học luật. Ông Dương Minh Tú, Giám đốc TNHH MTV Xổ số kiến thiết BR-VT cho biết, trong những năm qua, DN luôn bố trí cán bộ chuyên trách pháp chế để phối hợp với các bộ phận liên quan thực hiện việc tư vấn, giúp ban giám đốc trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của DN; xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của DN như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định về quản lý tổ chức, hoạt động, nhân sự của các phòng, ban, đơn vị trong công ty…. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các loại mẫu hợp đồng; có ý kiến về mặt pháp lý và thẩm định dự thảo các hợp đồng do các bộ phận khác của DN soạn thảo trước khi trình ban giám đốc quyết định.

Bên cạnh đó, cán bộ pháp chế còn giúp lãnh đạo DN tìm hiểu, nắm bắt kịp thời những thay đổi về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thể chế hóa dưới những chế định luật. Chính sự kịp thời này tránh cho DN những thiệt hại không đáng có từ những thay đổi đó. Như vậy, lợi ích của việc sử dụng tư vấn pháp luật cho DN là thật sự cần thiết bởi quá trình bắt đầu khởi nghiệp hay đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định thì rủi ro pháp lý đối với DN có thể khó tránh khỏi. “Các DN có thể chọn một hình thức hợp lý cho hoạt động pháp chế. Tùy thuộc vào quy mô và mức độ cần sử dụng của hoạt động tư vấn pháp luật mà thành lập riêng một đội ngũ pháp chế, hoặc ký hợp đồng thuê tư vấn pháp luật thường xuyên”, ông Dương Minh Tú chia sẻ.

VƯỚNG DO QUY ĐỊNH CHỒNG CHÉO

Người dân tìm hiểu về các thủ tục tư pháp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Vũng Tàu. Ảnh: MỸ PHƯỢNG
Người dân tìm hiểu về các thủ tục tư pháp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Vũng Tàu.

Một nguyên nhân nữa khiến địa vị pháp lý của công chức pháp chế đến nay vẫn không được chính danh, bởi sự mâu thuẫn trong các văn bản luật. Cụ thể, trong khi đang thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP “Quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh lại không có phòng pháp chế. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có biên chế nhân sự cho phòng pháp chế. Các văn bản hướng dẫn cũng không có quy định phòng pháp chế. Chính vì vậy, dẫn đến các sở đã giải thể phòng pháp chế được thành lập trước đó.Theo Sở Tư pháp, ngoài việc thiếu bộ phận pháp chế, hiện nay vai trò của công chức làm công tác pháp chế chưa được quan tâm đúng mức; bản thân các công chức làm công tác pháp chế chưa phát huy được khả năng, kinh nghiệm đối với các nhiệm vụ được giao. Do hầu hết các nhiệm vụ của công chức pháp chế được thực hiện lồng ghép trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ do các phòng chuyên môn tại các sở đảm nhiệm. Đặc biệt, một số lĩnh vực như tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, trong khi đa số các công chức làm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn chưa đủ trình độ đáp ứng.

Tại hội nghị đánh giá thực trạng công tác pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, DN Nhà nước được tổ chức tại TP.Vũng Tàu mới đây, Bộ Tư pháp cho biết, sắp tới sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Qua đó, nội dung nào không phù hợp sẽ kiến nghị thay đổi, bổ sung. Bộ Tư pháp vẫn đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của các địa phương nhằm kiện toàn bộ phận pháp chế. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị, các cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế và những người làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành và địa phương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Đề nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và bộ máy, đội ngũ những người làm công tác pháp chế theo đúng quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Kế hoạch 1141-KH/BCSĐCP của Chính phủ để tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế tại địa phương; căn cứ tình hình cụ thể để sắp xếp, bố trí, ổn định đi ngũ cán bộ bảo đảm về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công việc.

(Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Phan Chí Hiếu)

 

;
.