Lực đẩy từ dòng vốn FDI trong lĩnh vực dầu khí

Thứ Sáu, 05/10/2018, 16:14 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngành dầu khí không chỉ thu hút được lượng vốn lớn từ các nhà thầu dầu khí nước ngoài vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam, mà còn giúp các DN dầu khí trong nước tiếp cận và nhận chuyển giao nhiều công nghệ hiện đại, học hỏi được phương thức quản lý tiên tiến. 

THU HÚT HƠN 45 TỶ USD

Kỹ sư Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) làm việc tại công trường.
Kỹ sư Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) làm việc tại công trường.

Tính đến nay,  các nhà thầu dầu khí nước ngoài đã đầu tư hơn 45 tỷ USD vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam. Hiện Việt Nam có trên 40 công ty dầu mỏ nước ngoài đang đầu tư vào các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Trong số đó, nhiều công ty dầu mỏ lớn đang hợp tác với Việt Nam như Chevron (Mỹ), KNOC (Hàn Quốc), Gazprom (Nga), Petronas (Malaysia), PTTEP (Thái Lan), Talisman và Repsol (Tây Ban Nha), ExxonMobil (Mỹ), Total và Neon Energy (Pháp). Phần lớn các công ty, tập đoàn dầu khí nước ngoài đầu tư dưới hình thức góp vốn với DN dầu mỏ của Việt Nam để thực hiện các hợp đồng phân chia sản phẩm.

Đặc biệt, Việt Nam còn ký kết hợp tác với Liên bang Nga để thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro). Ông Lê Việt Hải, Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết: Cách đây 30 năm, dòng dầu đầu tiên từ khối đá móng mỏ Bạch Hổ được khai thác. Việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới vô cùng quan trọng ở bể Cửu Long nói riêng và thềm lục địa Việt Nam nói chung, tạo động lực hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí trên thế giới quay trở lại đầu tư và thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Sau 30 năm khai thác thành công dầu từ tầng đá móng, đến nay, Vietsovpetro đã khai thác được trên 230 triệu tấn dầu (trong đó dầu khai thác từ tầng đá móng chiếm trên 85% sản lượng), cung cấp vào bờ trên 34 tỷ m3 khí đồng hành, doanh thu bán dầu đạt gần 78 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam trên 48 tỷ USD.  

Theo Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, việc hợp tác với các nhà thầu nước ngoài trong khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt các công trình lớn khâu trung nguồn và hạ nguồn liên quan tới dầu mỏ như: Nhà máy chế biến khí, nhà máy nhiệt điện khí, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy sản xuất phân đạm…, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

THÚC ĐẨY CÁC DN DẦU KHÍ TRONG NƯỚC VƯƠN RA BIỂN LỚN

Nhờ các hoạt động hợp tác với nhà thầu dầu khí nước ngoài, các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiếp cận và nhận chuyển giao nhiều công nghệ hiện đại, học hỏi được phương thức quản lý tiên tiến và hội nhập nhanh vào cộng đồng dầu mỏ quốc tế. Cùng với đó, các chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ kỹ thuật dầu khí phục vụ các hoạt động khoan, thăm dò, khai thác dầu khí đi kèm cũng đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, nhiều đơn vị thành viên của PVN như PTSC, PV Drilling, PVEP, PVE… không chỉ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho hoạt động dầu khí trong nước, mà còn trúng thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho các nhà thầu dầu khí trong khu vực và trên thế giới. 

Đầu năm 2018, tại cảng hạ lưu PTSC (TP.Vũng Tàu), Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã bàn giao 3 giàn khai thác cuối cùng (B12-15, B12-11, B12-17) trong tổng số 5 giàn khai thác cho dự án Daman. Sự kiện này đã  khẳng định thương hiệu và năng lực trong khu vực và trên thế giới của PTSC M&C qua việc thực hiện thành công các dự án xây lắp công trình dầu khí cho chủ đầu tư nước ngoài. Dự án phát triển mỏ Daman do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án rất quan trọng của ngành dầu khí Ấn Độ. Ban đầu, dự án này được chủ đầu tư ONGC trao thầu cho tổng thầu Swiber India - trụ sở chính ở Singapore thực hiện. Sau một thời gian triển khai dự án, tổng thầu Swiber không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, gặp khó khăn về tài chính. Sau khi cân nhắc, chủ đầu tư ONGC đã lựa chọn PTSC M&C làm tổng thầu EPC (từ khâu thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị, chế tạo, thi công và hạ thủy bàn giao).

Trong khi đó, tại PV Drilling, ngoài việc khoan và sửa thành công nhiều giếng khoan và giếng khai thác tại Algeria, PV Drilling còn cung cấp các loại hình dịch vụ khác ra thị trường quốc tế như: cung ứng nhân lực cho các giàn khoan hoạt động ở Singapore, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc; dịch vụ lắp đặt đầu giếng khoan cho Công ty Nido tại Philippines; cho thuê thiết bị khoan, kiểm định sửa chữa thiết bị khoan cho một số thị trường ở khu vực Đông Nam Á.

Theo đánh giá của PVN, các đơn vị thành viên trực thuộc hiện đã làm chủ được công nghệ hiện đại, có khả năng tham gia và thực hiện hầu hết các yêu cầu dịch vụ dầu khí chất lượng cao như: Khảo sát địa chấn, khoan, dịch vụ khoan, khảo sát thiết kế, xây lắp các công trình dầu khí, sửa chữa, đóng mới các phương tiện kho nổi dầu khí... Hằng năm, lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đóng góp gần 30% tổng doanh thu của PVN.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.