Nguy hiểm ẩn chứa trong "chất nhờn ma quái"

Thứ Hai, 22/10/2018, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, không chỉ trẻ em, nhiều thanh thiếu niên cũng mê món đồ chơi slime hay còn được gọi là “chất nhờn ma quái”, bột tạo hình. Điều đáng nói là đa số món đồ chơi này đều không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng nhưng lại được bày bán rất nhiều ở những điểm hàng rong trước cổng trường, cửa hàng đồ chơi, tiệm tạp hóa. 

Các túi, hũ trò chơi slime không có nhãn mác, xuất xứ được bày bán tại một cửa hàng đồ chơi trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
Các túi, hũ trò chơi slime không có nhãn mác, xuất xứ được bày bán tại một cửa hàng đồ chơi trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

NHIỀU THÀNH PHẦN HÓA HỌC KHÔNG NÊN TIẾP XÚC

Tại nhiều trường TH, THCS, trào lưu chơi slime đang phổ biến trong HS. Slime là loại đồ chơi dạng bột dẻo, để người chơi có thể nặn. Tại một cổng trường TH trên địa bàn TP.Vũng Tàu, sau giờ tan học, một nhóm các em HS chuyền tay nhau slime và thích thú nhào, nặn thành đủ hình thù. Vừa chơi các em vừa chùi tay lên quần áo, ăn bánh snack. Một số HS cho biết do bố, mẹ cấm chơi ở nhà nên tranh thủ chơi khi tan học. 

Trong vai người đi mua đồ chơi cho con, chúng tôi được người bán hàng đồ chơi tại TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) quảng cáo đủ loại slime với nhiều kích cỡ, màu sắc, hình dáng rất bắt mắt và được đựng trong các túi ni lông hoặc các hũ nhựa, không nhãn mác. Người bán hàng “tiếp thị” cho chúng tôi về sự đa dạng của các loại slime. Đó là, slime tuyết, slime mây, slime kim tuyến... với giá dao động chỉ từ 2 ngàn đồng cho đến hơn 50 ngàn đồng.

Khi được hỏi về nguồn gốc của smile, người bán hàng này cho biết, luôn có những lái buôn bỏ sỉ loại đồ chơi này. Còn ai sản xuất, xuất xứ từ đâu thì không biết rõ. Còn các nguyên liệu để làm nên chất lỏng slime gồm: Hồ nước, các loại keo, nước rơ lưỡi, các dung dịch có chứa nồng độ chất hàn the (borax) để tạo đông, kết dính dẻo dai, xà phòng, dầu gội đầu, nước rửa chén, các chất có tính tẩy rửa mạnh, kim tuyến... Chính vì vậy, bên cạnh các hủ, túi slime bán sẵn, những người bán hàng còn bán luôn các nguyên liệu để làm slime. Những nguyên liệu này được đựng trong các túi ni lông và giá thành chỉ từ 5 đến 10 ngàn đồng/túi. “Nhu cầu mua đồ chơi này của HS khá nhiều nên mỗi ngày, tôi bán hàng chục túi, hũ slime”, người bán hàng này nói.

TIỀM ẨN NHIỀU NGUY HẠI

Thực tế thời gian qua, trên cả nước đã có những trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng do chơi trò chơi slime, điển hình như vụ việc, 19 em học sinh của Trường THCS Bình Tân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) phải nhập viện Đa khoa khu vực Gò Công ngày 15-9 vừa qua. Các em có các triệu chứng dị ứng da, mẩn ngứa kèm theo nóng, rát cổ, ho, khó thở, buồn nôn, mệt sau khi chơi trò chơi slime. Trước đó, tháng 5-2018, một bé trai 8 tuổi tại Tây Ninh vì chơi slime thường xuyên đã khiến 10 đầu ngón tay của em sưng tấy, lở loét và được gia đình đưa lên Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh cấp cứu. Các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bé bị viêm da mủ, nếu chậm trễ, nhiễm trùng lan rộng, có nguy cơ phải tháo khớp.

Theo bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ thực phẩm, Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ BR-VT, việc trẻ tùy tiện mua và sử dụng các loại slime không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, chứa nhiều thành phần hóa học tiềm ẩn nguy hại cho trẻ nhỏ. Làn da của trẻ rất mỏng manh và sẽ có phản ứng phồng rộp hoặc dị ứng, các ngón tay sưng tấy, lở loét, hay bỏng nếu tiếp xúc quá lâu với hóa chất. Ngoài ra trẻ có thể bị ngộ độc, nôn mửa khi tiếp xúc với hóa chất trong slime. 

Khi trẻ hoặc thậm chí là thanh thiếu niên tự mày mò làm ra slime với nhiều thành phần, đặc biệt là borax-chất thường được sử dụng trong các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng. Nếu trẻ tiếp xúc thời gian dài thì sẽ gây phỏng do phơi nhiễm với chất này. Các đầu ngón tay trẻ sẽ bị sưng tấy sau khi tiếp xúc với hóa chất, sau đó bị viêm da, nhiễm trùng sẽ lan rộng và nặng hơn sẽ phải tháo khớp tay. Hay như chất Acid boric thường có trong dung dịch rửa kính áp tròng cũng là một nguyên liệu mà các video hướng dẫn thực hiện để làm slime là chất mà Liên minh châu Âu xếp vào danh mục các chất có khả năng nguy hại đến khả năng sinh sản của con người.

Do đó, bà Tạ Thị Thanh Thúy khuyến cáo: Phụ huynh nên đọc kỹ các tiêu chuẩn an toàn khi mua đồ chơi cho con và nói không với các đồ chơi không rõ xuất xứ, nguồn gốc. Riêng với những bé thích làm slime tại nhà, phụ huynh có thể mua và cùng làm với trẻ bằng những nguyên liệu được đánh giá là an toàn như: Hồ, bột ngô, màu thực phẩm, kem đánh răng. Đặc biệt phụ huynh cần quy định cho trẻ chơi từ 15 đến 30 phút; lưu ý rửa tay sạch sẽ cho trẻ sau khi chơi.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

;
.